'Tôi từng nghĩ đến cái chết khi bị tung clip nóng lên mạng'
Nhiều phụ nữ bị phát tán clip nhạy cảm đang phải đấu tranh để xóa nội dung này khỏi các nền tảng trực tuyến, nơi tràn ngập miêu tả bạo lực tình dục, chế giễu nạn nhân.
Laura, nhân viên văn phòng ngoài 20 tuổi ở Hong Kong (Trung Quốc), gần đây phát hiện ra rằng khoảnh khắc riêng tư nhất của cô đã bị lan truyền trên Internet trong gần 10 năm qua, theo SCMP.
Hàng nghìn người đã nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm này qua màn hình máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng.
"Tôi thực sự sốc. Một người theo dõi đã nói với tôi về các video đăng tải trên trang web khiêu dâm. Chúng được quay một cách bí mật", cô nói.
Gần đây, một đồng nghiệp, người tán tỉnh Laura trong nhiều tháng, đã biết về những đoạn phim này. Lúc đầu, anh ta tỏ ra quan tâm đến cô nhưng sau khi bị từ chối tình cảm, người này bắt đầu đe dọa Laura.
"Anh ta chửi bới, tống tiền, đe dọa phát tán clip trong nhóm làm việc và dùng mọi thủ đoạn để ép buộc tôi quan hệ".
Laura nằm trong số hàng nghìn người đã bị phát tán những bức ảnh hoặc video thân mật mà không có sự đồng ý của họ. Các đoạn phim nhạy cảm khiến nạn nhân rơi vào căng thẳng, khủng hoảng và phải đấu tranh nhiều năm để xóa chúng khỏi không gian trực tuyến.
Khiêu dâm và quyền riêng tư
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, hàng triệu người phải ở nhà, các nhà hàng và địa điểm giải trí đóng cửa, những cuộc tụ họp xã hội bị cấm hoặc hạn chế.
Đằng sau những cánh cửa đóng kín, nhiều người "bám rễ" trước màn hình để làm việc, thư giãn. Các ứng dụng trò chuyện, mạng xã hội và trang web hẹn hò trở thành kênh kết nối duy nhất của họ với phần còn lại của thế giới.
Thế nhưng, bên cạnh tác dụng gắn kết gia đình, bạn bè và đồng nghiệp với nhau, công nghệ cũng cho phép sự gia tăng của lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh.
Lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh được các chuyên gia định nghĩa là hành vi lấy, chia sẻ hoặc đe dọa phát tán ảnh, video khỏa thân, khiêu dâm mà không có sự đồng thuận của người sở hữu.
Hành vi này cũng bao gồm việc quay phim cảnh quan hệ, chụp ảnh dưới quần áo của người khác, quay lén trong phòng thay đồ và tải hình ảnh thân mật lên các nền tảng trực tuyến.
Hầu hết nạn nhân là phụ nữ. Người yêu cũ, bạn tình thường là thủ phạm chính. Họ sử dụng hình ảnh thân mật để níu kéo nạn nhân, tống tiền, tống tình hoặc đơn giản là để làm tổn hại danh tiếng của người tình cũ.
Hình thức lạm dụng này còn được gọi là "trả thù khiêu dâm". Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nên tránh dùng thuật ngữ này vì nó không nêu bật được đầy đủ động cơ của thủ phạm và những gì nạn nhân phải gánh chịu.
Không chỉ bị phát tán lên mạng xã hội, nội dung lạm dụng còn phổ biến trên trang web khiêu dâm - nơi ranh giới giữa thật và giả, nội dung đồng thuận hay không đồng thuận còn rất nhạt nhòa.
Trong một nghiên cứu vào tháng 4, Clare McGlynn QC, giáo sư luật tại Đại học Durham ở Anh, đã phân tích tiêu đề video trên ba trang web khiêu dâm lớn nhất ở Anh - Pornhub, Xhamster và XVideos.
Bà McGlynn chỉ ra rằng các cụm từ liên quan đến cưỡng hiếp, bạo lực tình dục, quay lén, thanh thiếu niên phổ biến một cách đáng quan ngại. "Các trang web này gần như không có hệ thống riêng để ngăn chặn những nội dung bất hợp pháp đang được tải lên mỗi ngày".
Laura, cô gái bị tung clip nhạy cảm 10 năm trước, đã nhiều lần liên hệ với các trang web khiêu dâm để gỡ bỏ nội dung riêng tư của mình khỏi nền tảng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của cô đều thất bại.
"Tôi nhận ra rằng mình không thể làm điều đó một mình", cô nói.
"Hãy chôn vùi mọi chuyện!"
Sau khi Crystal, sinh viên 20 tuổi ở Hong Kong (Trung Quốc), chia tay bạn trai vào năm ngoái, cô đã phải đối mặt với hàng loạt lời đe dọa từ anh ta.
Người này lưu giữ toàn bộ những hình ảnh thân mật của cô và liên tục nhắn tin đe dọa phát tán chúng.
Crystal quyết định trình báo vụ việc với cảnh sát. Hung thủ đã được nhà chức trách mời đến để hỗ trợ điều tra, nhưng anh ta không bị bắt.
"Tôi hy vọng việc trình báo có thể giúp mình thoát khỏi lời đe dọa nhưng không, nó chẳng giúp được gì. Hành động đó còn khiến hung thủ nghĩ rằng những gì anh ta làm là được pháp luật cho phép", Crystal nói.
Cảnh sát nói rằng bằng chứng mà cô có, chẳng hạn như tin nhắn từ bạn trai cũ, quá yếu để anh ta có thể bị truy tố.
"Điều đáng sợ nhất là tôi sẽ phải sống với nỗi sợ hãi này trong suốt phần đời còn lại. Tôi thậm chí đã nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời mình để có thể kết thúc tất cả".
Nhiều quốc gia không có số liệu thống kê về lạm dụng dựa trên hình ảnh và thiếu mạng lưới hỗ trợ nạn nhân. Trách nhiệm này thường thuộc về các nhóm vận động xã hội.
Tại Anh, Sophie Mortimer, người quản lý đường dây nóng báo cáo về lạm dụng, trả thù khiêu dâm do chính phủ tài trợ, cho biết số người trưởng thành tìm kiếm sự hỗ trợ vì bị lạm dụng hình ảnh đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, lên đến 3.146 trường hợp.
Mortimer nói thêm rằng dữ liệu nhân khẩu học khan hiếm do các nạn nhân bị chấn thương tâm lý ngại tiết lộ thông tin. Tuy nhiên, bà cho biết 62% người gọi đến đường dây nóng là phụ nữ.
Tại Hong Kong, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với SCMP rằng lực lượng này đã không lưu giữ số liệu thống kê cụ thể về lạm dụng dựa trên hình ảnh. "Những trường hợp như vậy có thể thuộc nhiều loại tội phạm khác nhau, chẳng hạn như đe dọa hoặc tống tiền".
Tuy nhiên bà McGlynn, giáo sư Đại học Durham, lưu ý rằng số liệu thống kê chính thức cũng "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" vì nạn nhân thường ngại lên tiếng và nhiều trường hợp đã báo cáo lại không được xử lý.
Hsiao Shan Cheng thuộc Quỹ Cứu trợ Phụ nữ Đài Bắc ở Đài Loan (Trung Quốc) cho biết phần lớn các trường hợp được báo cáo đến đường dây nóng của họ là phụ nữ dưới 25 tuổi. Những người này thường xuyên phải đối mặt với áp lực từ người thân, dư luận. "Hầu hết sẽ nói với họ: 'Đừng nói với ai, đừng cố buộc tội. Hãy chôn vùi nó, xem như không có chuyện gì'".
Quả bom hẹn giờ
Shailey Hingorani thuộc tổ chức phi lợi nhuận Aware có trụ sở tại Singapore, cho biết nhiều nạn nhân của bạo lực tình dục thường nhận được những phản ứng đổ lỗi từ người xung quanh, bao gồm cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
"Thật đáng buồn khi người bị hại lại phải đi giải thích lý do họ quay những đoạn phim đó, gửi những hình ảnh hở hang đó cho người yêu cũ hoặc lưu giữ chúng trên điện thoại của mình", bà Hingorani nói.
Kuhan Manokaran, luật sư ở Malaysia, nói thêm việc giúp thân chủ vượt qua sự xấu hổ và kỳ thị là một thử thách. "Trong văn hóa châu Á, tình dục được coi là chủ đề cấm kỵ và hiếm khi được thảo luận ở nơi công cộng… Một số thậm chí còn cảm thấy ngớ ngẩn hoặc ngu ngốc vì đã tin tưởng vào hung thủ", ông nói.
Các chuyên gia và những người hỗ trợ ở nhiều quốc gia cho biết giáo dục, nâng cao nhận thức đồng thời thiết lập cơ chế hỗ trợ nạn nhân là những bước quan trọng nhất để ngăn chặn lạm dụng dựa trên hình ảnh.
Laura, nạn nhân ở Hong Kong, cho biết cô hy vọng nhiều phụ nữ nhận ra rằng họ không đơn độc. "Không ai muốn video hoặc ảnh riêng tư bị phát tán mà không có sự cho phép của mình", cô nói.
Từ khi phát hiện đoạn video nhạy cảm, Laura đối mặt với vô vàn khó khăn từ những lời đe dọa cho đến tống tiền. Thế nhưng, cô chỉ có thể chịu đựng một mình vì chưa đủ can đảm kể với chồng và gia đình.
Khi những hình ảnh đó vẫn còn tồn tại trên mạng, cô phải tiếp tục sống trong thấp thỏm. "Nó như một quả bom hẹn giờ. Tôi là nạn nhân trong câu chuyện này nhưng lại bị đối xử như người mang tội".