Tối ưu hóa các nguồn tài lực phát triển kinh tế

Để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong hai thập kỷ tới đây. Theo các chuyên gia, điều này đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để huy động, khai thác, quản lý, phân bổ và sử dụng sao cho hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Nguồn tài lực còn nhiều thách thức

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 15/1/2019) về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với nguồn nhân lực, vật lực và tài lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN.

Theo đó đối với nguồn tài lực, Nghị quyết 39 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, mức dự trữ quốc gia đạt 0,8-1% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN; đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP. Đến năm 2035, mức dự trữ quốc gia đạt 1,5% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 70% GDP; nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn; thu NSNN về đất đai đạt 10%, thu từ khai thác tài sản công đạt 5% tổng thu NSNN hàng năm. Đến năm 2045, mức dự trữ quốc gia đạt 2% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 80% GDP...

Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu về huy động nguồn tài lực theo Nghị quyết 39 (Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)

Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu về huy động nguồn tài lực theo Nghị quyết 39 (Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)

Nhìn lại chặng đường mà nền kinh tế đã đi qua từ 2019 đến nay và “soi chiếu” với các mục tiêu về tài lực đến năm 2025 (một số chỉ tiêu đến 2030) mà Nghị quyết 39 đặt ra, các chuyên gia cho rằng cơ bản nhiều mục tiêu đã và có thể sẽ đạt được. Cụ thể, chia sẻ tại Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” cuối tuần qua, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, một số mục tiêu đã đạt, có mục tiêu đạt cao hơn song cũng có mục tiêu chưa đạt.

Đơn cử, mục tiêu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP (đến năm 2030) thì kết quả thực hiện trong những năm vừa qua đều đạt. Thậm chí còn đạt cao hơn mục tiêu đề ra về thu NSNN từ đất đai và từ khai thác tài sản công... Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch và thiếu tính bền vững là nguyên nhân quan trọng khiến mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP đến năm 2025 rất khó đạt được (quy mô thị trường này ước tính năm 2024 chỉ ở mức 41- 42% GDP)...

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nhiều kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, thách thức. Cụ thể với chính sách tài khóa, khâu thực thi các chương trình, chính sách hỗ trợ còn chậm; thể chế, pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; hiệu quả đầu tư khu vực Nhà nước còn thấp; giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi 2022-2023 còn chậm và không đồng đều giữa các địa phương, cấu phần...

Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam trở nên khó khăn hơn khi độ mở kinh tế lớn và xu hướng CSTT thay đổi nhanh; đa mục tiêu; chất lượng tài sản, vấn đề tăng vốn của các TCTD còn là thách thức, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng; kênh dẫn vốn của các TCTD phi ngân hàng còn thấp; tín dụng chính sách, nhất là qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chưa thực sự hiệu quả; Phối hợp chính sách tài khóa - CSTT còn một số bất cập...

Cần các cơ chế, chính sách đột phá để tối ưu hóa các nguồn lực phát triển kinh tế

Cần các cơ chế, chính sách đột phá để tối ưu hóa các nguồn lực phát triển kinh tế

Phát triển thị trường tài chính đồng bộ và cân bằng hơn

Đặc biệt theo các chuyên gia, nền kinh tế đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng (tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2023 khoảng 130%, thuộc nhóm các nước có tỷ lệ này cao nhất) trong khi các nguồn vốn khác chưa thực sự hiệu quả, bền vững. Số liệu cho thấy, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm, chỉ còn 9,64% GDP đến tháng 6/2024 (thấp hơn rất nhiều mục tiêu của Chiến lược tài chính 2022 và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 2023 là đến năm 2025 đạt 20% GDP); huy động vốn qua thị trường chứng khoán (cổ phiếu) rất khiêm tốn; cổ phần hóa, thoái vốn DNNN chậm...

Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, số liệu tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 130% (và có xu hướng tiếp tục tăng) cho thấy nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng. Nhiều tổ chức như WB, ADB... đã cảnh báo, nếu như tỷ lệ này tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó đòi hỏi thời gian tới cần những chính sách đặc thù, vượt trội để có thể thực sự phát huy được vai trò của thị trường vốn (thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường bảo hiểm…) cũng như khuyến khích phục hồi và gia tăng đầu tư từ khu vực tư nhân. Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tập trung vào cải cách khu vực tài chính, phát triển thị trường tài chính đồng bộ và cân bằng hơn, giảm bớt áp lực vốn tín dụng trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa CSTT, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác).

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng cốt lõi là quyết liệt cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để đẩy mạnh hơn nữa đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư tư nhân), đa dạng hóa nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần đồng bộ hóa huy động và phân bổ nguồn lực (vật lực, nhân lực và tài lực), đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để sử dụng và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Trong đó, đặc biệt chú ý rà soát, phân bổ cơ cấu đầu tư công hợp lý hơn, dành nhiều tài lực hơn cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Tại hội thảo này, ông Lê Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, NHNN đã trình bày báo cáo tham luận về “Hoạt động điều hành CSTT và cơ cấu hệ thống TCTD nhằm khơi thông nguồn lực tài chính đối với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2019-2024”.

Theo đại diện NHNN, một trong những thành công lớn nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, lạm phát toàn cầu tăng cao giai đoạn 2019-2024 là điều hành CSTT linh hoạt, thận trọng góp phần kiểm soát lạm phát. Từ năm 2019 đến nay, lạm phát luôn được kiểm soát dưới 4%/năm, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đạt được thành công này, CSTT đã có những đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh: (i) Lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT trong từng giai đoạn; (ii) Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối; (iii) Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hiệu quả phân bổ vốn tín dụng tăng lên. Tăng trưởng tín dụng những năm gần đây (5 năm gần đây trung bình khoảng 13,48%/năm) thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây nhưng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được thành tựu đáng ghi nhận, là minh chứng rõ cho sự gia tăng của hiệu quả phân bổ vốn tín dụng đã tăng lên. Cùng với đó, phát triển các phương tiện, mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt đạt được thành tựu vượt bậc; Tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế được khắc phục về căn bản; Thanh khoản của hệ thống các TCTD luôn được đảm bảo, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất…

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/toi-uu-hoa-cac-nguon-tai-luc-phat-trien-kinh-te-154912.html