Tối ưu hóa hoạt động bảo tồn và trồng rừng
Cách tiếp cận quản lý danh mục để tối ưu hóa hoạt động bảo tồn, trồng rừng được coi là phương pháp tốt nhất giúp bảo vệ và tái sinh rừng.
Mark Ashton thuộc Bộ môn Lâm nghiệp tại Khoa Môi trường ở Đại học Yale là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển và trồng rừng. Ashton được sinh ra ở Vương quốc Hồi giáo Brunei, một quốc gia thuộc vùng đảo Borneo ở Đông Nam Á.
Cha của ông là huyền thoại thực vật học rừng Peter Ashton, người đầu tiên lập danh mục toàn bộ các loài cây trong khu rừng mưa từng một thời rất rậm rạp của hòn đảo này - đây là một công việc gian nan đến mức Ashton nhiều lần chết hụt trong những chuyến thám hiểm vào rừng, nhưng hiện nay khu rừng này gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Sự phong phú tự nhiên của các loài cây - theo kết quả kiểm đếm của Ashton, con số này lên tới khoảng 3.000 loài - đã bị thay thế bằng những đồn điền trồng cọ đơn điệu.
Peter cũng là một nhà tiên phong trong nghiên cứu so sánh giữa các khu rừng có sự đa dạng sinh học trên khắp thế giới để rút ra những phương pháp tốt nhất giúp bảo tồn và tái sinh rừng, lĩnh vực chuyên ngành của Mark.
Với thâm niên hơn 30 năm nghiên cứu rừng ở Sri Lanka, Ấn Độ, và New England, Mark ủng hộ cách tiếp cận quản lý danh mục để tối ưu hóa hoạt động bảo tồn và trồng rừng - lời khuyên này rất phù hợp với triết lý của nền kinh tế tuần hoàn là theo đuổi nhiều phương pháp khác nhau đáp ứng được nhu cầu của cả con người lẫn Trái đất. Lời khuyên của ông cũng phù hợp với tiền đề cơ bản của mô hình tuần hoàn: noi gương tự nhiên là lộ trình chắc chắn nhất.
Mark chỉ ra rằng, cho đến nay, phần lớn các dự án trồng cây mới để hấp thụ carbon chỉ giới hạn ở một vài, hoặc thậm chí là chỉ xoay quanh một loại cây; người ta cho rằng bởi vì những loại cây này mọc cực kỳ nhanh và có tuổi thọ cao, nên cách trồng này sẽ là con đường ngắn nhất giúp hấp thụ lượng carbon lớn nhất.
Nhưng nghiên cứu của Ashton đã chỉ ra rằng cách làm này tạo ra những khu rừng đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh. Bởi vì có rất nhiều cây thuộc cùng một loại sinh sống chen chúc với mật độ dày đặc ở cùng một chỗ, nên một số loài gây hại có thể tìm đến và dễ dàng nhảy từ cây này sang cây khác và kết quả, theo cách nói của Ashton, là “chúng sẽ phá hủy toàn bộ gia tộc đó”.
Khi nghiên cứu về cách xây dựng sức mạnh bền bỉ dẻo dai của các khu rừng, ông phát hiện ra rằng nhiều loài cây cối nên sinh trưởng cùng nhau - điều này khiến tôi nhớ đến sự đa dạng đáng kinh ngạc của các loại cây đã và đang mọc lên trong khu rừng tự nhiên tự phát ở Công viên Freshkills.
Theo Ashton, “bạn phải ủy quyền ra quyết định cho tự nhiên” để cả các khu rừng và các đồn điền trồng cây đều “có khả năng chống chịu lại mọi cuộc công kích” từ côn trùng, bệnh dịch, và hạn hán, cũng như từ hoạt động thu hoạch có chọn lọc của con người. Theo chính lời ông nói thì “chúng ta tối đa hóa sức bền của rừng, chứ không nhất thiết phải tập trung vào khả năng lưu trữ carbon của chúng” - về lâu dài, đây là con đường chắc chắn hơn để tối ưu hóa việc hấp thụ carbon.
Tôi thắc mắc, vậy còn những trận cháy rừng dữ dội ở California và Australia thì sao? Điều gì đã tạo ra chúng?
Một phương pháp có dụng ý tốt nhưng sai lầm là chính sách chống lại tất cả các cuộc cháy rừng. Theo Ashton giải thích, việc bảo vệ cây cối khỏi các đám cháy một cách quá năng nổ như vậy đã dẫn tới hiện tượng “lượng carbon được lưu trữ trong những khu rừng đó gia tăng cao hơn nhiều so với mức thông thường”. Lượng carbon dư thừa đóng vai trò là chất xúc tác tạo nên các đám cháy, kết hợp với hạn hán và số lượng ngày càng tăng các loài côn trùng xâm lấn do biến đổi khí hậu gây nên, khiến cho nhiều thân cây và cành cây ở các thảm rừng bốc cháy.
Ashton cho biết, thay vào đó chúng ta nên áp dụng phương pháp phòng ngừa cháy rừng đã được người Mỹ và người Australia bản địa thực hành từ lâu: đốt rừng có kiểm soát, với cường độ thấp và tần suất thường xuyên.
Ở lãnh thổ Bắc Australia, theo thỏa thuận với chính quyền, người dân bản địa đã áp dụng phương pháp trên và đạt được nhiều hiệu quả lớn. Kể từ sau khi chương trình này ra đời vào năm 2013, những đợt cháy rừng lớn diễn ra trên vùng này đã giảm một nửa và lượng phát thải khí nhà kính theo ước tính cũng giảm khoảng 40%. Những người tham gia trong chương trình được khích lệ bằng các phần thưởng tiền mặt thông qua chính sách mua bán phát thải, và tổng số tiền thưởng được chi trả cho đến nay đã lên tới 80 triệu đô-la - đây là một lực đẩy quan trọng về kinh tế cho khu vực vốn có tỉ lệ thất nghiệp cao như thế này.
Ashton nhấn mạnh rằng những biện pháp khuyến khích bằng kinh tế như vậy có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc bảo tồn rừng, không chỉ ở Amazon mà còn ở rất nhiều khu rừng khác, nơi hoạt động phát quang rừng để lấy gỗ và làm nông nghiệp vẫn đang tiếp diễn. Sẽ không thể ngăn chặn hành vi tàn phá rừng nếu như những biện pháp khuyến khích về kinh tế để bảo tồn rừng không lớn hơn những lợi ích thu được từ việc phá rừng.
Điều này không chỉ đúng ở thế giới đang phát triển mà còn đúng đối với hoạt động bóc lột tài nguyên rừng đang diễn ra ở Mỹ và Canada. Nếu ngay cả ở những quốc gia giàu có như vậy, và bất chấp những ý kiến phản đối mạnh mẽ từ những người bảo vệ môi trường, lợi ích về kinh tế vẫn là động cơ để duy trì hành vi phá rừng, vậy thì đừng hy vọng rằng không có sự bù đắp hấp dẫn về mặt tiền bạc, các khu vực gặp khó khăn về kinh tế lại có khả năng bảo tồn rừng tốt hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-uu-hoa-hoat-dong-bao-ton-va-trong-rung-post1393845.html