Tối ưu nguồn lực, đưa Đông Nam Bộ thành trung tâm sản xuất, thương mại xứng tầm
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh thành là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ vào vị trí thuận lợi, tiếp giáp với các khu vực giàu tài nguyên ở Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên; phía Tây và Tây Nam giáp với vùng đồng bằng sông Cửu long, “vựa lúa” lớn nhất của cả nước; về phía Đông giáp với biển và về phía Tây Bắc giáp với Campuchia, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế phát triển đa dạng các ngành kinh tế, dịch vụ và là cửa ngõ giao thương quan trọng ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.
Về xuất nhập khẩu, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ đô la Mỹ. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)… góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Với tiềm năng lớn và dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song thực tế, vùng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, vùng Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có những vấn đề như: Tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng; đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn nhiều nhưng chưa khai thác hết.
“Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý (khu vực trung tâm vẫn tập trung các khu công nghiệp cần nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp). Đồng thời, chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của các địa phương trong xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, ông Thái Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do một số doanh nghiệp tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại ở một số ngành công nghiệp như may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ,… Tuy nhiên, sự liên kết này chưa chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Hiện có một số đơn vị ở tỉnh muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do không tương xứng về quy mô, trình độ công nghệ.
Ngoài ra, về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương đã từng bước nâng vị thế, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu chung cấp vùng. Các doanh nghiệp trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ.
Đơn cử, theo đại diện tỉnh Tây Ninh cho hay, Tây Ninh có 1 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, 6 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao, 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khác. Ngoài việc ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm sản xuất các sản phẩm đặc trưng. Trong đó phải kể đến xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm (nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc...) và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo quy định.
Thông tin thêm về những điểm vướng về xuất khẩu hàng hóa, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương chia sẻ, có một thực tế cần phải nhìn nhận là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.
Bên cạnh cần sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng thương mại, để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, Bình Dương đề xuất xây dựng thương hiệu chung vùng Đông Nam Bộ cho 4 hàng hóa chủ lực của vùng dựa trên lợi thế của các tỉnh, thành địa phương: Gỗ, giày da, nông sản và các sản phẩm công nghệ.
Để gỡ bài toán khó cho vùng, bà Phan Thị Khánh Duyên đề xuất, vùng cần tạo ra nội lực hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT, trí tuệ nhân tạo, để tạo khung pháp lý xây dựng, triển khai các nhiệm vụ… tạo lợi thế phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Trong đó, đánh giá điểm chung và riêng của các địa phương khi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển phù hợp với xu thế.
Đánh giá cao sự phát triển nổi trội của vùng Đông Nam Bộ, song bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khó khăn trước thực trạng logistics hiện nay. Theo bà Lý Kim Chi, cơ sở hạ tầng logistic, kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam Bộ còn rất hạn chế, thiếu hụt đang ảnh hưởng lớn tới ngành lương thực thực phẩm, làm giảm thời gian lưu trữ và làm tăng tỷ lệ hư hỏng hàng hóa.
Bà Chi thông tin thêm, hiện tại chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao. Theo đó, chi phí logistics tại các nước trong khu vực đang ở mức 12%, trong khi tại Việt Nam là 18% tổng chi phí. Do đó, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ lớn hơn của Chính phủ trong việc xây dựng các trung tâm logistics do doanh nghiệp không đủ nguồn lực.
Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, hình thành các doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động chuyên nghiệp. Cần nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.
Trước những băn khoăn về yếu kém logistics của vùng Đông Nam Bộ, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đang liên kết chặt chẽ với các Hiệp hội triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ. Việc này nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
VLA cũng kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ VLA thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu và triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho ngành logistics, quản lý chuỗi cung ứng. Song song đó, hỗ trợ VLA thúc đẩy các dự án logistics hàng không phục vụ cho nông sản, trong đó có vận tải hàng không chuyên biệt cho nông sản.
Bên cạnh đó, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, cần phải thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Muốn vậy, vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Trong đó, đối với TP.Hồ Chí Minh, đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, TP.Hồ Chí Minh cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA), các chính sách hiện có để đẩy mạnh liên kết và theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh bền vững tạo nên lợi thế cạnh tranh.
Ông Dũng kỳ vọng: “Khi các tỉnh, thành trong vùng cùng nhau hợp tác sẽ tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc liên kết vùng cũng giúp tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả, từ đó nâng cao vị thế của các sản phẩm hàng hóa của vùng trên thị trường quốc tế”.
Góp ý thêm về giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đề nghị các cơ quan, tổ chức trong vùng Đông Nam Bộ khi có bất cứ kế hoạch hoặc chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia, quốc tế lớn nào đều cần thông báo và có sự tham gia phối hợp tổ chức của Bộ Công Thương.
Đặc biệt, để xúc tiến thương mại thực chất và hiệu quả hơn, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, các địa phương trong vùng cần có sự liên kết sâu, cùng ngồi lại để tìm ra những sản phẩm lợi thế nhất của địa phương mình để tập trung cho công tác xúc tiến. Chẳng hạn như trong vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước có thế mạnh nổi trội về vùng nguyên liệu và chiếm chỉ số xuất khẩu cao đối với cà phê, hạt điều; vùng Đông Nam Bộ cũng là đầu não trung tâm cả nước về logistics… Do đó, các địa phương, hiệp hội trong vùng cần có những đề xuất cụ thể về thế mạnh xúc tiến thương mại để trao đổi cùng Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của vùng Đông Nam Bộ dù đã làm tốt các công tác kết nối giao thương nhưng cần tiếp tục sâu sát hơn để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp phát triển hơn nữa, nắm được thông tin về các hiệp định thương mại tự do, các vấn đề phòng vệ thương mại, thị trường nước ngoài, xu hướng vận động của thị trường thế giới. Với doanh nghiệp cần nghiên cứu để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giữ vững uy tín trong toàn bộ chu trình hệ thống kinh doanh.
Đỗ Nga
Đồ họa: Hồng Thịnh
Đỗ Nga - Hồng Thịnh