'Tôi xin lỗi vì khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng'
Nhiều bệnh nhân vô tình lây nhiễm Covid-19 cho người khác đều bị đeo bám bởi cảm giác tội lỗi. Dù may mắn chiến thắng virus, họ phải nếm trải nỗi đau mất đi gia đình, bạn bè.
Hơn hai tuần kể từ khi Trung Quốc công bố đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán, Shen Wufu (kiến trúc sư 32 tuổi), người từng ghé thăm thủ phủ tỉnh Hồ Bắc vào cuối tháng 1, vẫn không nghĩ rằng mình có khả năng nhiễm bệnh.
Shen đến miền Bắc Trung Quốc tham gia một hội thảo kinh doanh rồi lại trở về phía nam đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.
Anh xem các tin tức về loại virus mới trên TV nhưng ở thời điểm đó, 5 ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, Shen nói hàng triệu người Trung Quốc không biết rằng loại mầm bệnh chết chóc đang lây lan trong cộng đồng.
“Hầu như không thấy bất kỳ ai đeo khẩu trang”.
Shen là một trong hơn 3.000 người nhiễm Covid-19 đã hồi phục, xuất viện tại Trung Quốc tính đến đầu tháng 2. Nhưng anh đã tiếp xúc và lây bệnh cho khoảng 40 người. Một số phục hồi nhưng phần lớn không qua khỏi.
“Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi gây ra rắc rối cho mọi người. Tôi thực sự xin lỗi vì đã làm virus lây lan”, Shen nói.
Với những người đã vô tình khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng như Shen, phần lớn bị đeo bám bởi cảm giác tội lỗi, ăn năn. Dù bản thân may mắn chiến thắng Covid-19, họ phải nếm trải nỗi đau mất mát người thân, bạn bè vì chính sự bất cẩn, thái độ coi thường dịch bệnh trước đó của mình.
“Tôi đã giết chết bố mình”
Vào tuần thứ 3 của tháng 3, Paul Stewart bị đau họng, sốt nhẹ, ớn lạnh, đau nhức toàn thân. Thời điểm đó Covid-19 bắt đầu lây lan khắp bang Illinois (Mỹ), khiến các trường học và nơi làm việc, bao gồm cả phòng khám ở quận DuPage mà anh làm việc, đóng cửa.
Paul không nghĩ mình nhiễm virus, ngay cả sau khi một đồng nghiệp có kết quả dương tính.
Anh nghĩ mình chỉ bị cảm lạnh. Các triệu chứng đến rồi đi, và vào một số ngày, Paul còn cảm thấy đủ khỏe để chạy bộ.
Sau đó, bố anh, Robert (86 tuổi) bắt đầu ho.
Paul, 55 tuổi và đã hai lần ly hôn, sống với cha mẹ trong ngôi nhà mà anh lớn lên. Anh cho rằng bố mình, một cựu cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, cựu binh quân đội và người sống sót sau bệnh ung thư, cũng chỉ bị cảm lạnh.
Nhưng virus đã chiếm lấy cơ thể Robert. Chúng phá hủy phổi và khiến ông không thể ăn uống bình thường.
Sáng 2/4, Paul bị đánh thức bởi cơn ho của bố. Anh dìu bố vào phòng tắm, nơi ông ấy đã bất tỉnh.
Paul gọi 911. Lòng anh đầy lo lắng và mơ hồ nhận ra có điều gì đó không ổn.
Một nhân viên y tế, mặc đầy đủ đồ bảo hộ, nói với Robert rằng ông cần đến bệnh viện. Robert lặng lẽ đồng ý. Khi đến cửa trước, vẫn đi chân trần, ông dừng lại, quay đầu nhìn con trai và nói: “Bố yêu con”.
“Con cũng yêu bố. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”, Paul trấn an bố nhưng bản thân lại không thể bình tĩnh.
Tại bệnh viện Central DuPage, Robert đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Tin tức khiến Paul nhận ra rằng bản thân cũng có thể đã bị nhiễm virus và chính anh là người đã lây bệnh cho bố mẹ. Khi tình trạng của bố ngày càng xấu đi, Paul bắt đầu tự trách bản thân.
“Đáng ra tôi phải cẩn thận hơn”, Paul nói.
Trong bệnh viện, phổi của Robert bắt đầu hỏng. Các bác sĩ cho biết họ không thể làm gì hơn để ngăn chặn sự tấn công của virus. Điều duy nhất họ có thể làm là xoa dịu cơn đau của người đàn ông 86 tuổi bằng thuốc an thần.
Không được phép gặp nhau nhưng Robert và Paul thường xuyên nói chuyện qua điện thoại và FaceTime. Robert có vẻ bình tĩnh. Ông chưa bao giờ nói về cách mình mắc bệnh hoặc khả năng con trai đã truyền bệnh cho mình.
Ngày 9/4, sau khi Robert nằm viện một tuần, cả hai đã có cuộc trò chuyện cuối cùng. Paul cảm ơn cha vì đã trở thành một phụ huynh tốt. Anh đảm bảo với cha rằng mình sẽ chăm sóc mẹ anh và giúp thanh toán các hóa đơn.
"Cám ơn con trai. Con là một người đàn ông tuyệt vời”, Robert trả lời.
Câu cuối cùng Paul nói với cha anh là “Con xin lỗi”.
Sau cái chết của Robert, cảm giác hối hận, tội lỗi bám riết Paul đến tận hôm nay.
“Tôi đã giết chết bố. Tôi đã truyền bệnh cho chính bố mình. Đó là một cảm giác kỳ lạ, giống như bạn không được bình yên. Bạn không thể nghỉ ngơi bởi vì bạn vẫn đang đối mặt với cảm giác tội lỗi”, Paul nói.
Xấu hổ, tội lỗi, tuyệt vọng
Jane Weinhaus, một giáo viên mầm non ở ngoại ô St. Louis, cũng đang phải đối mặt với tòa án lương tâm vì thái độ xem thường đại dịch trước đây.
Với cuộc sống xã hội bận rộn nhưng không nghiêm túc chấp hành các quy định phòng dịch, người phụ nữ 63 tuổi này đã nhiễm Covid-19 vào đầu tháng 3.
Nhưng điều đáng sợ là cô đã tiếp xúc với cả trăm người trước khi biết mình nhiễm bệnh. Vài ngày trước đó, Weinhaus vẫn nhận chăm sóc hàng chục trẻ ở trường mầm non, đi chơi với bạn bè, tham dự một lễ hội, đi đám cưới, ăn tối với người cha 90 tuổi và tiếp xúc với những đứa cháu nhỏ…
Có nhiều triệu chứng nặng và từng phải thở máy, song cuối cùng Weinhaus cũng chiến thắng virus. Thế nhưng điều đầu tiên cô cảm nhận sau khi hồi phục từ giường bệnh không phải là may mắn mà là cảm giác day dứt.
“Tôi nghĩ rằng tôi có thể đã truyền thứ virus giết người, mà tôi còn tiếp xúc với rất nhiều người...” Weinhaus nói trong nước mắt.
Sau đám tang của cha mình - giới hạn cho 10 người - Paul tiếp tục vật lộn với cảm giác hối hận.
Anh không ngừng chất vấn bản thân liệu mình đã cố gắng hết sức để bảo vệ gia đình, những người thân yêu trước Covid-19 hay chưa.
“Đáng ra tôi phải đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, tự cách ly mình trong phòng ngủ và đưa bố đến bệnh viện sớm hơn. Tôi nghĩ về nó mỗi ngày”, Paul nói.
Thế nhưng, theo Tiến sĩ Ronjon Banerjee, một bác sĩ tâm thần và trợ lý giáo sư tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York, việc không ngừng đổ lỗi cho bản thân như Paul và Weinhaus sẽ không giúp giải quyết vấn đề.
“Họ cảm thấy xấu hỗ, tội lỗi, tuyệt vọng nhưng những cảm xúc tiêu cực đó chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Bạn đâu thể đổ lỗi cho bản thân mãi mãi. Điều quan trọng nhất là cần tìm cách vượt qua, hồi phục, suy nghĩ mọi thứ tích cực hơn để tiếp tục cuộc sống”.