Tôi yêu thích công việc viết báo
Lớn lên đi học tôi đã thích nghề phóng viên. Mỗi khi nhìn thấy một người được gọi là ký giả (nhà báo) đeo máy ảnh bên hông là 'thèm khát' dán mắt nhìn theo cho tới khi họ đi khuất...
Lần thi trượt vào một trường đại học ở Hà Nội, dù biết mình là con nhà “cua ốc”, trong nhà không có ai đi theo con đường nghệ thuật nhưng tôi vẫn đánh bạo thi vào Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa chuyên khoa đạo diễn sân khấu (khóa 1), rồi tốt nghiệp ra đi làm...
Những năm sau đó, vì yêu thích nghề báo nên tôi vẫn theo đuổi đam mê. “Ơn trời”, mong ước đã trở thành sự thật, tôi thi vào học và tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành báo chí (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội)... để rồi ngót ba chục năm tôi tự nguyện làm công việc “viết báo ngoài biên chế”. Tôi hiểu viết báo để “khen”, “chê”, định hướng tích cực về chính trị tư tưởng, hướng dẫn đúng đắn dư luận xã hội. Những tập thể, cá nhân làm tốt xứng đáng được khen ngợi cổ vũ nêu gương để học tập làm theo; ngược lại tập thể, cá nhân làm không tốt - chưa tốt phải phê bình; làm điều xấu, điều ác thì kiên quyết đấu tranh, phê phán..
Như một “đứa trẻ” từ lúc chập chững tập viết tin, bài gửi bài cộng tác cho các báo đến khi trở thành cộng tác viên thường xuyên cho tờ báo Thanh Hóa. Và, tờ báo Đảng địa phương cũng là “bến đỗ” giúp tôi “neo đậu” thỏa niềm đam mê. Lần đầu tiên “khởi nghiệp”, đó là viết một tin ngắn “Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn ở Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Hà Trung” (17/5/1995) và được Báo Thanh Hóa đăng. Từ đó, tôi có thêm động lực viết bài cộng tác với báo cho đến nay (dù đã nghỉ công tác). Đến nay, tôi đã có gần ba trăm tin, bài, ảnh đăng trên các tờ báo, tạp chí... trong và ngoài tỉnh.
Là người viết “tự do” nhưng tôi luôn xác định viết trong khuôn khổ, quy định của pháp luật. Nếu được giới thiệu nơi nào có tập thể, cá nhân, mô hình, điển hình tiên tiến xứng đáng được nêu gương để học tập thì tôi sẵn sàng “lăn xả” đến tìm hiểu để viết bài. Mặc dù viết để “khen” nhưng khi lấy tư liệu cũng gặp những “rào cản” nhất định. Đó là những lần liên hệ với nhân vật viết bài, mặc dù tôi đã liên hệ, đặt lịch trước một vài ngày, nhưng đến hôm hẹn thì người cung cấp tư liệu khéo léo từ chối vì bận việc này, việc nọ, nên phải hủy lịch gặp. Hay, trên đường đến nơi hẹn “vấp” ngay cú điện thoại: “anh đi đến đâu rồi”, “gần tới rồi”, “xin lỗi anh, lại có việc phải đi gấp, hẹn hôm khác nhé”. Hoặc, đã đồng ý viết bài, bỗng dưng tin nhắn điện thoại: “Hôm nay đoàn công tác của cấp trên về làm việc nên bận rồi”. Một số trường hợp được trao đổi viết mô hình nêu lý do rồi không hợp tác (ngắt liên lạc).
Nhớ lần kết nối lịch hẹn với người làm bánh lá thương phẩm lấy tư liệu để viết bài, họ liền trả lời “tôi không có kinh phí để tuyên truyền”. “Tôi viết là để giới thiệu sản phẩm mới chứ không phải viết để lấy tiền”, tôi nói. Vậy mà họ vẫn từ chối, không hợp tác... thật khó hiểu? Hoặc có người khuyên tôi (khi đang công tác) “đừng viết báo để tâm lo công việc cơ quan”, hay “viết báo không phải nhiệm vụ của ông”, thậm chí là “người vác tù và” (không tiện nói tên)... Chỉ có tôi mới thấu hiểu được lời lẽ “phản cảm”, thiếu thiện chí ấy nhưng tôi làm lơ, mặc kệ, “việc mình làm có lợi cho xã hội thì cứ làm” (tôi nghĩ vậy), nên cứ kiên trì công việc đã đam mê.
Cũng may, tôi công tác trong huyện trước đây nên được các địa phương, đơn vị tạo thuận lợi khi đi lấy tư liệu. Theo đề cương, bài viết được soạn thảo, rà đi soát lại, tỉa tót câu từ... và gửi đến tòa soạn, chờ đợi, hy vọng. Có những lần nhận cuộc gọi, tin nhắn từ tòa soạn: “kiểm tra lại số liệu”, “bài viết dài”, “nên viết vấn đề này” hoặc “ảnh chụp chưa đạt”... Rất cảm ơn Ban Biên tập, Tòa soạn báo đã kịp thời nhắc nhở giúp cho người viết phải cẩn trọng trong việc khai thác đảm bảo tính khách quan, chính xác của tư liệu và trách nhiệm với công chúng.
Nhớ lần viết mô hình chăn nuôi lợn vượt “bão” dịch, khi ấy một số nơi đang có dịch tả lợn Châu Phi, dịch COVID-19... Vừa tiếp cận, lập tức chúng tôi “bị chặn” ngay cửa để xịt dung dịch sát khuẩn vào quần áo mặc, rồi mỗi người được phát một đôi ủng, một bộ quần áo bảo hộ đảm bảo an toàn mới “cho” vào khu chuồng trại. Hay viết về nuôi ong lấy mật thương phẩm, được nhân vật bài viết trang bị cho một cái “mặt nạ” để chống lại đàn ong “tấn công” khi tiếp cận sự kiện... Ám ảnh hơn, lần viết về sản phẩm kẹo lạc, có mấy chú chó “béc” của chủ nhà rất dữ lao ra khiến tôi phải thót tim. Còn khi viết trái bưởi “ruột hồng”, tôi gặng hỏi nhưng “họ” nhất định giấu không chịu nói bí quyết về cách diệt loài ruồi vàng đốt trái bưởi non gây hư hỏng... Khi thâm nhập thực tế, tiếp cận sự kiện, gặp gỡ nhân vật bài viết để khai thác thông tin tư liệu gặp khó như vậy, tôi vẫn kiên nhẫn theo đuổi đam mê, không nản lòng...
Tôi luôn nghĩ rằng phần thưởng quý giá dành cho người yêu thích công việc viết báo như tôi là những tin, ảnh, bài viết được các cơ quan báo chí sử dụng đăng tải, được công chúng đón nhận và lan tỏa tích cực. Mặc dù sức khỏe không được như trước, nhưng với sự đam mê với “nghề” viết nên tôi vẫn sắp xếp thời gian đi thực tế lấy tư liệu, chụp ảnh viết bài đăng báo. Theo cá nhân tôi, người viết báo không ai tính tuổi, chỉ khi nào không thể viết được nữa mới thôi, và “viết là để phụng sự Đảng, Nhà nước và Nhân dân” như lời Bác Hồ đã dạy.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/toi-yeu-thich-cong-viec-viet-bao-215965.htm