Tôm chết hàng loạt, người nuôi lo lắng

Nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Bình Chánh, Bình Dương, Bình Thạnh (Bình Sơn) đang trong tình trạng đứng ngồi không yên, vì tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt.

Về các vùng nuôi tôm xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) thời điểm này, chúng tôi chứng kiến không khí thật vắng lặng, đìu hiu. Việc tôm chết hàng loạt đã khiến cho nhiều người nuôi nơi đây lo lắng, vì chưa tìm được cách khắc phục.

Chỉ tay về phía hồ tôm vừa bị dịch bệnh gây hại, mất trắng hoàn toàn, anh Phạm Hùng Huynh, ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa xót xa bảo: “Vụ này gia đình tôi thả nuôi 30 vạn tôm thẻ chân trắng, trên diện tích 1.800m2. Mặc dù tôi đã tuân thủ theo đúng lịch thời vụ, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn ao nuôi, thế nhưng tôm chỉ mới xuống giống gần 15 ngày tuổi đã chết hàng loạt, khiến gia đình tôi thiệt hại hơn 30 triệu đồng”.

Nhiều hộ nuôi tôm ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) điêu đứng vì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, nên chưa dám thả nuôi vụ mới.

Nhiều hộ nuôi tôm khác ở xã Nghĩa Hòa cũng đành bất lực chứng kiến công sức, chi phí đầu tư bị đổ sông, đổ biển. Theo nhiều hộ nuôi ở nơi đây, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do vẫn chưa có nguồn tôm giống sản xuất trong tỉnh, người nuôi chọn mua con giống qua nhiều bước trung gian, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Ngoài ra, vùng nuôi chưa quy hoạch, một số người nuôi không thả giống đồng bộ theo lịch thời vụ, khiến tôm nhiễm mầm bệnh từ vụ này lây sang vụ khác. “Ngay khi phát hiện tôm có dấu hiệu bỏ ăn, tôi đã dùng thuốc kháng sinh và khoanh vùng bảo vệ các hồ nuôi còn lại, nhưng vẫn không hiệu quả. Toàn bộ 3.000m2 hồ nuôi tôm của tôi đều bị dịch bệnh lây lan, khiến 15 vạn tôm giống 20 ngày tuổi chết hàng loạt. Hiện tại tôi đành “treo" hồ, chứ chưa dám thả nuôi vụ mới”, ông Võ Quang Sang, một người nuôi tôm xã Nghĩa Hòa cho hay.

Theo thống kê của UBND xã Nghĩa Hòa, vụ tôm đầu năm nay, toàn xã có khoảng 60ha hồ tôm ở các vùng nuôi Mỹ Điền, Quan Thánh, Phú Nghĩa. Thế nhưng, từ giữa tháng 4 đến nay, có đến 40ha hồ nuôi tôm từ 15 - 30 ngày tuổi bị dịch bệnh, mất trắng hoàn toàn. Trước tình hình dịch bệnh tôm nuôi, UBND xã Nghĩa Hòa đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa tiến hành kiểm tra, lấy mẫu gửi cơ quan Thú y Vùng 4 Đà Nẵng xét nghiệm và xác định được nguyên nhân tôm chết là do vi khuẩn Vibrio gây bệnh về gan, tụy.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trần Thanh Bình cho biết: “Ban đầu, tôm nhiễm bệnh chỉ với diện tích nhỏ, nhưng do chim sếu đến ăn tôm chết, rồi tha tôm rơi vãi đến các hồ tôm khác lây bệnh, làm cho 58 hộ nuôi bị thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tôm nuôi vẫn chưa được khống chế, nên địa phương kiến nghị cơ quan chuyên môn hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như kinh phí để người nuôi trồng thủy sản kịp thời triển khai vụ nuôi tiếp theo”.

Ngoài xã Nghĩa Hòa, thì ở các xã Bình Chánh, Bình Dương, Bình Thạnh (Bình Sơn), người nuôi tôm cũng đang rất lo lắng khi xuất hiện 1,7ha hồ tôm bị bệnh đốm trắng, chết hàng loạt. Hiện các hộ nuôi tôm ở các xã nói trên đang tăng cường chăm sóc, theo dõi, khử khuẩn môi trường nước nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Những trường hợp tôm đạt trọng lượng, nhiều hộ nuôi cũng đang tiến hành thu hoạch, tránh thiệt hại khi tôm nhiễm bệnh.

Bài, ảnh: MỸ DUYÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202105/tom-chet-hang-loat-nguoi-nuoi-lo-lang-3057879/