Tôm hùm Mỹ biến mất khỏi thực đơn
Việc một tổ chức có tiếng đưa tôm hùm vào danh sách đỏ gần đây khiến ngành công nghiệp loài này tại bang Maine gặp nhiều áp lực phải thay đổi và thích ứng để đáp ứng tình hình mới.
“Chúng tôi phải đến những chỗ mà tôm hùm muốn tới, những nơi gồ ghề. Đó sẽ là khu vực chúng tôi đặt bẫy”, Ali Desjardin nói trong lúc kéo bẫy tôm hùm lên từ đáy đại dương. Sau đó, cô lấy thước để đo chiều dài từ phần rìa mắt dọc xuống lưng của con tôm hùm.
Người đánh bắt chỉ được phép giữ lại con tôm hùm nếu nó có chiều dài lưng từ 8,4-12,7 cm. Nếu chiều dài không nằm trong quy định này, hoặc con tôm hùm cái ôm trứng, họ phải trả con tôm hùm về đại dương. Đây đều là những yêu cầu được đặt ra từ năm 1872.
Ngoài ra, người đánh bắt cũng khắc hình chữ "v" lên con tôm hùm cái để đánh dấu cho các ngư dân khác rằng họ cần bảo vệ những con này.
Thế nhưng, những cáo buộc gần đây về cách đánh bắt đang làm rung chuyển toàn bộ ngành công nghiệp quan trọng và mang tính biểu tượng tại Maine - nơi vốn mệnh danh là thủ phủ tôm hùm của Mỹ.
Nỗ lực của ngư dân Maine
Đầu tháng này, Tổ chức đánh giá mức độ bền vững các loại hải sản Seafood Watch đã đưa tôm hùm vào danh sách đỏ. Với mức đỏ, điều này đồng nghĩa họ khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế sử dụng loại hải sản này.
Theo báo cáo ngày 6/9, Seafood Watch cho biết đánh bắt tôm hùm Mỹ “gây rủi ro cho những loài bị coi là đánh bắt quá mức hoặc trong danh sách nguy cơ, bao gồm cả cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương. Cách đánh bắt theo chiều thẳng đứng có thể vướng vào cá voi, gây nguy hại cho các loài vốn bị đe dọa tuyệt chủng”.
“Việc bị vướng vào ngư cụ là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích nghiêm trọng và tử vong cho cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương”, báo cáo nêu.
Từ lâu, các khuyến nghị của Seafood Watch đã có ảnh hưởng lớn. Tổ chức này từng cho vào danh sách đỏ nghề đánh bắt tôm ở Louisiana trong nỗ lực bảo vệ rùa biển. Sau này, nghề đánh bắt tôm ấy đã được đưa ra khỏi danh sách đỏ.
Sau khuyến nghị mới nhất, nhiều nhà hàng trên khắp nước Mỹ cũng rút tôm hùm ra khỏi thực đơn.
Những người làm trong ngành công nghiệp tôm hùm ở Maine phẫn nộ trước quyết định trên. Họ nói rằng trong gần 2 thập niên qua, ngư cụ của họ chưa từng vướng phải con cá voi nào khi đánh bắt. Hầu hết nói họ thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy con nào.
“Thật là bực bội. Chúng tôi tự hào khi là người quản lý tài nguyên”, Patrice McCarron thuộc nhóm vận động Hiệp hội Tôm hùm Maine nói.
Khởi nguồn cho những cáo buộc này xuất phát từ một sợi dây màu tím nối bẫy tôm hùm với phao nổi. Kể từ năm 1997, ngư dân đã loại bỏ 48.000 km dây thừng khỏi mặt nước, đồng thời khiến các đường nối này lỏng bớt để cá voi nếu chẳng may vướng phải vẫn có thể thoát ra.
Họ cũng đưa ra những dấu hiệu nhận biết riêng biệt để theo dõi chủ nhân của những thiết bị gây vướng víu. Ngoài ra, họ còn cắt giảm số lượng bẫy tôm hùm.
“Những người nuôi tôm hùm Maine có lẽ đã bỏ công sức, thời gian và cả tiền bạc nhiều hơn bất cứ nhóm nào trên đất nước này để bảo vệ loài cá voi”, người đánh bắt tôm hùm, đồng thời cũng là nhà sinh vật học - Curt Brown - nói trong cuộc họp báo gần đây.
“Nhưng vẫn chưa đủ”
Seafood Watch tin rằng “các biện pháp quản lý hiện tại không đủ tầm nhìn xa để giảm thiểu rủi ro vướng mắc và thúc đẩy phục hồi loài cá voi”.
Cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương đang có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn dưới 350 con còn sống sót. Theo một nghiên cứu, trên 80% trong số này từng ít nhất một lần vướng vào ngư cụ. Trên người chúng mang theo những vết sẹo.
Những người đánh bắt tôm hùm ở Maine nói họ không gây ra những thiệt hại này. Hiện chưa có tài liệu nào ghi nhận có cá voi chết liên quan tới ngư cụ ở Maine.
Seafood Watch nên ăn mừng vì có một ngành công nghiệp tiên phong, Luke Holden - chủ sở hữu nhà hàng Luke’s Lobster tại bến tàu Portland - nói.
“Chúng tôi có thể làm gì thêm nữa để giảm thiểu rủi ro?”, ông nói. “Chúng ta phải tiếp tục làm việc cùng nhau ra sao để bảo vệ những thứ quan trọng?”.
Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - cơ quan liên bang giám sát nghề cá - từ lâu đã phối hợp với Maine hỗ trợ đánh bắt tôm hùm bền vững và bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
“Chúng tôi hoàn toàn công nhận ngư dân ở Maine đã làm được rất nhiều việc trong những năm qua, nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa”, quan chức tên Allison Ferreira từ NOAA nói. Năm ngoái, NOAA đặt mục tiêu giảm 90% rủi ro cho cá voi. Kế hoạch này bao gồm đặt các bẫy không dây, nhưng chi phí khá đắt đỏ.
“Tất cả sẽ phải thực hiện những thay đổi lớn đối với ngành công nghiệp này”, Annie Tselikis thuộc Hiệp hội các nhà kinh doanh tôm hùm Maine cho biết. “Các ngư dân sẽ phải điều chỉnh hàng loạt thứ trên mặt nước. Và chúng tôi không biết điều này sẽ tác động thế nào tới nguồn cung”.
Tuy nhiên, nhiều người lo lắng ngành công nghiệp này đang bị đào thải. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy chuỗi cung ứng tôm hùm ở Maine đóng góp một tỷ USD cho nền kinh tế bang mỗi năm, giúp 12.000 người có việc làm.
Và ngành công nghiệp tôm hùm biến mất không chỉ ảnh hưởng tới người đánh bắt, buôn bán và chế biến loại hải sản này. Các nhà hàng và trại nuôi tôm hùm - vốn phụ thuộc vào khách du lịch - cũng có thể bị tổn thương.
Nếu ngành kinh doanh tôm hùm biến mất, nhiều thị trấn ven biển có thể phải vật lộn để tồn tại. Hàng nghìn gia đình và doanh nghiệp nhỏ sống dựa vào nghề đánh bắt cũng sẽ chịu thiệt hại.
Tôm hùm còn gắn liền với Maine, trở thành thương hiệu quen thuộc của bang tới mức giới chức còn cung cấp biển số xe có mang hình loài này. Khi tới Maine, không thể nào đếm hết được số người đeo thắt lưng có hình tôm hùm. Đối với người dân tại đây, ngành công nghiệp tôm hùm không chỉ là kế sinh nhai.
“Đó là một phần bản sắc, một phần di sản của chúng tôi”, bà Patrice McCarron nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tom-hum-my-bien-mat-khoi-thuc-don-post1358413.html