Tốn cả ngàn tỷ đồng, dòng kênh vẫn ô nhiễm

Nhiều năm qua, do thiếu kiểm tra giám sát, tình trạng xả thải vô tội vạ đã khiến một số hệ thống kênh, rạch ở TPHCM và tiếp giáp một phần thuộc tỉnh Bình Dương bị ô nhiễm nặng nề. Đáng nói, dù ngân sách nhà nước đã bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để cải thiện nguồn nước, song tình trạng ô nhiễm không hề thuyên giảm, ảnh hưởng rất lớn cuộc sống người dân.

Dù tốn cả ngàn tỷ đồng để cải tạo, đến nay kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm nặng nề. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Dù tốn cả ngàn tỷ đồng để cải tạo, đến nay kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm nặng nề. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Vật vã với mùi hôi

Rạch Xuyên Tâm có chiều dài hơn 6km xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp (TPHCM). Hàng chục năm qua, con rạch này được đánh giá có mức độ ô nhiễm lớn nhất tại TPHCM. Ghi nhận thực tế cho thấy, con rạch có màu đen kịt, đặc quánh và bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Dọc 2 bên bờ là đủ các loại rác thải sinh hoạt như túi ni lông, chai lọ… nổi lềnh bềnh, tạo thành từng mảng lớn. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân quanh khu vực. Ông Nguyễn Viết Xuân (người dân sống cạnh rạch Xuyên Tâm thuộc phường 24, quận Bình Thạnh) cho biết: “Hệ thống cống rãnh khu vực này thường xuyên bị tắc do lượng rác thải quá nhiều, thậm chí có những hôm xác động vật chết bốc mùi không chịu nổi”.

Một con kênh khác là kênh Ba Bò, một trong những tuyến tiêu thoát nước chính của tỉnh Bình Dương và TPHCM, với tổng chiều dài 6,6km. Phía đầu nguồn, tỉnh Bình Dương có các tuyến thoát nước chính chảy vào kênh Ba Bò: nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình tại các phường thuộc TP Thuận An và TP Dĩ An; tuyến thoát nước thải sau xử lý của KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An. Ghi nhận tại hiện trường, nước thải chảy từ phía tỉnh Bình Dương vào hồ điều tiết, rồi len lỏi qua kênh chính chảy về phía hạ nguồn sông Sài Gòn. Nước chảy tràn qua bậc tam cấp tạo ra lớp bọt trắng, nổi bên trên mặt nước, bốc mùi nặng.

Đi ngược về hướng Bình Dương, đường dẫn nước vào kênh Ba Bò càng hẹp, có đoạn nhiều mảng nước đen, đoạn thì nổi đầy váng màu vàng y như dầu nhớt. Ông Nguyễn Viết Hải (ngụ khu phố 1, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) than: “Suốt nhiều năm qua, sinh hoạt của người dân trong phường đã bị ảnh hưởng rất nhiều; người già, trẻ em thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp phần lớn do ô nhiễm từ dòng kênh Ba Bò. Nhiều hộ trong vùng đã phải bán nhà chuyển đến nơi khác sinh sống vì không thể chịu nổi sự ô nhiễm”.

Cần giám sát nguồn thải

Nguyên nhân chính dẫn đến việc rạch Xuyên Tâm ô nhiễm nghiêm trọng phần lớn là do ý thức một bộ phận người dân chưa cao, nhiều người vẫn thản nhiên “tiện tay” xả rác xuống dòng kênh. Chính quyền các địa phương tuy đã khuyến cáo, nhưng thiếu giám sát, nên nhìn chung vẫn không có sự chuyển biến tích cực. Năm 2002, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, nhưng đã 18 năm trôi qua, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”!

Trong khi đó, đối với tình trạng ô nhiễm nặng nề ở kênh Ba Bò, một số chuyên gia về môi trường nhận định nguyên nhân là do hồ lắng, hồ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt, chứ không xử lý được nước thải công nghiệp. Còn theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân chính khiến kênh Ba Bò mỗi ngày thêm ô nhiễm là do một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh này.

Mới đây, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát, phân tích mẫu nước kênh Ba Bò và xác định ô nhiễm do chất hoạt động bề mặt khá cao, vượt quy chuẩn từ 5 đến hơn 8,4 lần và trải đều từ thượng nguồn đến hạ nguồn kênh. Hàm lượng ô nhiễm hữu cơ và chất hoạt động bề mặt tích tụ lâu ngày trong hồ điều tiết nên khi trời mưa, lưu lượng xả lớn làm cho nước nổi bọt.

Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh này yêu cầu Công ty CP Đại Nam và Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ tiến hành nạo vét các hố ga của hệ thống thoát nước mưa tại KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường thoát nước sau xử lý về hồ điều tiết, để không xả nước thải về kênh như hiện nay. Nhằm hạn chế ô nhiễm, tỉnh Bình Dương, nơi đầu nguồn con kênh, đã đầu tư gần 350 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đoạn qua phường Bình Hòa (TP Thuận An).

Liên quan tình trạng ô nhiễm dọc kênh Ba Bò, năm 2007, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt dự án cải tạo kênh với tổng vốn đầu tư 307 tỷ đồng. Năm 2009, dự án phát sinh xây thêm hồ sinh học (6ha), trạm bơm xử lý ô nhiễm…, khiến cho tổng vốn đầu tư cải tạo kênh Ba Bò nâng lên thành 744 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư để cải tạo kênh Ba Bò của TPHCM và Bình Dương đã lên đến gần 1.100 tỷ đồng.

Dù ngân sách đã bỏ ra không hề nhỏ nhưng thực tế kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm, và tình trạng ô nhiễm sẽ triền miên nếu chính quyền tỉnh Bình Dương, TPHCM không quyết liệt có giải pháp ngăn chặn triệt để các nguồn xả thải công nghiệp từ các KCN đầu nguồn, nước thải khu dân cư.

ĐỨC TRUNG - ANH TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ton-ca-ngan-ty-dong-dong-kenh-van-o-nhiem-704682.html