Tôn giả Pháp Loa hình ảnh của sự đạt ngộ

Có thể nói gì thêm về chân dung, cốt cách của Tôn giả Pháp Loa? Đó là con người gốc nông dân, sinh trưởng ở miền quê, ít học hành nhưng lại tiềm ẩn một cốt cách của bậc đại trí, đại hạnh.

Hoàn cảnh, cơ duyên cho sự đạt ngộ

Tôn giả Pháp Loa quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, sinh vào năm Thiên Bảo thứ 6 (1284) đời Trần. Đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là cơ duyên lớn nhất cho sự chứng đạo và trở thành Nhị tổ của thiền phái đặc biệt Việt Nam này.

Năm 1304, Điều ngự Giác hoàng đến Nam Sách, Tôn giả Pháp Loa đến yết kiến và xin xuất gia. Điều Ngự biết ngay Tôn giả sẽ là bậc Tông tượng nên nói: “Kẻ này có đạo nhãn, sau này ắt là bậc pháp trí, thiện lai”. Thật vậy, chỉ sau 2 năm tu học dưới sự chỉ dạy của Sơ tổ, Tôn giả Pháp Loa đã phát triển trí tuệ vượt bậc, trở thành vị giảng sư, giáo thọ, tạo được uy tín ở triều đình và Tăng Ni, Phật tử...

Sự việc gặp gỡ Tôn giả Huyền Quang rồi cùng tu học, tiếp xúc với bậc kỳ tài văn học, cao vời trí tuệ này cũng là cơ duyên cho sự thăng tiến của Tôn giả Pháp Loa. Tuy vậy, ta cần thấy rằng Huyền Quang, vị Trạng nguyên, từng làm quan 20 năm, lớn hơn Pháp Loa 30 tuổi, nhưng lại xuất gia với Thiền sư Bảo Phác vào năm 1305 ở chùa Lê Vĩnh, một năm sau khi Pháp Loa quy y với Sơ tổ Điều ngự Giác hoàng (năm 1304) và Huyền Quang đến phụ giúp Điều ngự năm 1306, tức là sau khi Pháp Loa trở thành đệ tử của Sơ tổ 2 năm, rồi được Pháp Loa truyền y của Sơ tổ, viết tâm kệ trao cho đệ tử thành Tam tổ.

Một số người so sánh tài năng, trí tuệ của Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang và nghĩ rằng trình độ tu chứng của Tam tổ cao hơn, sớm hơn Nhị tổ. Người viết bài này xin dành một phần sau của bài viết này để nhận định về sự việc này.

Ý nghĩa cơ bản trong các bài thuyết pháp

Trong khuôn khổ bài này, người viết không phân tích ý nghĩa của khá nhiều tác phẩm mà Nhị tổ đã để lại như Kim cương tràng Đà-la-ni kinh Khoa chú; các tập khoa sớ về Niết-bàn đại kinh, Pháp hoa kinh, Lăng-già tứ quyển, Pháp sự khoa văn, Độ môn trợ thành tập, Nhân vương hộ quốc nghi quỹ... Tôi chỉ tập trung nêu một số ý nghĩa cơ bản qua bài thuyết pháp, ứng cơ tiếp vật, thơ, kệ của Nhị tổ mà thôi.

Mở đầu bài thuyết pháp, Nhị tổ nói: “Trong đây có người nào đầy đủ con mắt lớn chăng? Nếu có, cặp chân mày chẳng cần vén lên”. Ý Tổ là người nghe cần có trí tuệ, không cần phải cố gắng suy nghĩ, so đo. Tổ nói tiếp: “Đại đạo rộng suốt, không ràng buộc, bản tánh lặng lẽ, không thiện ác. Do bởi chọn lựa mà bỗng sanh nhiều lỗi, vừa khởi lên mảy may, đã xa cách như trời và đất. Phàm thánh vốn đồng một mối; phải, quấy không khác biệt nhau”. Đây là ý nghĩa của Chân lý tối hậu, của Pháp thân Phật: lừng lựng, tròn đầy; nhưng vì người ta phân biệt, lựa chọn mà sinh ra lỗi lầm, tối tăm... Đây là hư không, là vô, là Không tánh, bất nhị... Đây cũng là ý nghĩa trong phần mở đầu bài Tín tâm minh của Tam tổ Tăng Xán của Thiền tông Trung Hoa: “Đạo rốt ráo thì không khó khăn gì, chỉ trở ngại là do người ta chọn lựa. Chỉ cần đừng ghét, thương, thì tự nhiên sáng sủa” (Chỉ đạo vô nan, duy hiềm giản trạch. Đản mạc tăng ái, động nhiên minh bạch).

Trúc Lâm Tam Tổ trong sách Tam Tổ thực lục

Trúc Lâm Tam Tổ trong sách Tam Tổ thực lục

Như trên đã nói, bài thuyết pháp này dành cho những bậc có trí tuệ, tuy vậy cũng là những cảnh báo đối với những ai tin vào nhị nguyên, phân biệt có - không, phải - trái... Tiếp theo bài giảng là triển khai ý nghĩa của không tánh, vô phân biệt:“Phật tức là Tâm. Tánh nào chẳng phải Pháp? Tâm nào chẳng phải Phật? Tức Tâm tức Phật, Tức Tâm tức Pháp. Pháp vốn chẳng phải Pháp, Pháp tức là Tâm. Tâm vốn chẳng phải Tâm, Tâm tức là Phật”. Đây là sự truyền kinh nghiệm về Tâm kinh, về Trí tuệ siêu việt. Đây không phải là lập luận, không mang tính lý luận logic; đây là một loại biện chứng pháp, nhưng là biện chứng pháp siêu việt (transcendental dialectic)!

Làm Nhị tổ, được triều đình và Tăng Ni Phật tử kính mộ, xây dựng Giáo hội, giảng dạy, in Đại tạng kinh, đúc tượng, xây chùa, viết sách..., Tôn giả Pháp Loa không hề lấy đó làm điều, chỉ xem đó là những hình ảnh trong mộng. Khi sắp tịch, Tam tổ Huyền Quang hỏi ngài khi ấy nên buông hay nên bỏ, ngài đáp: “Tất cả đều không can hệ,” tức là buông bỏ hay nắm giữ không hề can hệ đến ngài, đến cái Chân tâm rỗng rang của ngài, của bậc đã đạt ngộ. Ngài nói tiếp: “Tùy xứ Tát-bà-ha”.

Xin nói thêm, Tát-bà-ha, tiếng Phạn là Svaha, là một tán thán từ (interjection), chỉ sự bày tỏ vui mừng, thường được đặt vào cuối một câu kệ ngắn, như là một sự dứt câu (ví dụ: Bồ-đề Tát-bà-ha của Tâm kinh, ở cuối 14 câu ngắn có 14 từ Tát-bà-ha trong bài Chú Đại bi và trong lời tán thán trí tuệ Bát-nhã của Tuệ Trung Thượng sĩ Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha trong bài thơ Đốn tỉnh). Có nhiều người cho rằng Tát-bà-ha còn có nghĩa là thành tựu, là ước nguyện... Tại Phật giáo Giảng đường ở San Francisco năm 1969, ngài Tuyên Hóa bảo rằng Tát-bà-ha có 6 nghĩa (thành tựu, cát tường, viên tịch, tức tại, tăng ích, vô trú). Có lẽ ngài muốn giảng về Phật pháp nên nêu thêm các ý nghĩa ấy! Thực ra, Tát-bà-ha không mang nhiều ý nghĩa như vậy, nó cũng gần như được hiểu như vậy, như A-men của Thiên Chúa giáo, hay như được dịch là vậy đấy, mong như vậy (so it be, so be it của Anh ngữ hay hay c’est Çà, ainsi soit-il của Pháp ngữ…).

Tùy xứ Tát-bà-ha nghĩa là bất cứ mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, Nhị tổ Pháp Loa đều thong dong, tự tại, an nhiên, an bình... Đó là cốt cách của bậc chứng đạo.

Trước giây phút viên tịch, thuận theo sự nài nỉ của môn đồ, Nhị tổ để lại bài kệ thị tịch, nêu ý nghĩa mộng ảo của trần gian để giáo dục đồ chúng, cũng là nói lên cảm nhận của ngài về cuộc đời, về cảnh giới an nhiên, hạnh lạc của ngài, bậc chứng đạo:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn

Trí thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Ná biên phong huyệt cánh man khoan

(Vạn duyên vừa dứt, một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm mộng chứa chan

Xin bảo các người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thanh thang).

Hai lần đối đáp cuối cùng với Tam tổ Huyền Quang - Vẫn là cốt cách của bậc chứng đạo

Sách Tam Tổ thực lục ghi rõ hai cuộc đối đáp cuối cùng giữa Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang: Nhị tổ bệnh nặng, Tam tổ đến viện An Lạc để hầu thăm. Đang đêm, Tam tổ nghe Nhị tổ nói mớ hừ hừ trong giấc ngủ. Huyền Quang hỏi: “Ngài nói mớ chăng?”. Pháp Loa đáp: “Ngủ thì nói mớ, không ngủ thì không nói mớ.” Ý Nhị tổ là thức và ngủ, không nói mớ và nói mớ là chuyện bình thường, chẳng mang ý nghĩa gì cả. Huyền Quang hỏi:“Thức với ngủ là một ư?”, ý nói không phân biệt giữa thức và ngủ. Pháp Loa xác định: “Thức và ngủ là một”,ý là khẳng định sự vô phân biệt giữa không bệnh hay có bệnh. Huyền Quang hỏi: “Bệnh và không bệnh cũng là một sao?”. Pháp Loa đáp: “Bệnh cũng không liên can gì đến kẻ ấy, không bệnh cũng không liên can gì đến kẻ ấy” (Bệnh dã bất can tha, bất bệnh dã bất can tha). Từ “tha” trong Hán tự là một đại từ ngôi thứ ba, có nghĩa là kẻ ấy, người ấy, sự việc ấy... Ở đấy “Tha” là cái Tâm tuyệt đối, Chân tâm, cái tâm Vô, rỗng rang của người đạt ngộ. Tam tổ hỏi tiếp: “Thế sao lại có tiếng thốt ra?”, ý bảo rằng bệnh không liên can gì mà sao ngài lại rên hay nói mớ? Pháp Loa đáp: “Tiếng gió qua cây có gì đâu mà động tâm!”, ý Nhị tổ là tiếng rên cũng như tiếng gió thổi làm cây xao động, phát ra tiếng, tự nhiên cũng như có bệnh thì bệnh rên chứ không phải người bị bệnh rên. Huyền Quang còn vặn hỏi: “Tiếng gió qua cây thì người nghe không lầm nhưng tiếng nói mê (hay mớ, rên) trong giấc ngủ thì có thể khiến người nghe mê lầm”. Nhị tổ đáp: “Kẻ si muội cũng bị mê lầm vì tiếng gió qua cây”. Đây là Nhị tổ phê phán Tam tổ còn si muội, hiểu sai chứ không biết rằng tiếng mớ hay tiếng rên của Nhị tổ không phải là do cái tâm của Nhị tổ bị xao động vì bệnh. Bấy giờ Tam tổ Huyền Quang mới chợt hiểu ý thầy mình. Bài dạy của thầy có hiệu quả nên Tam tổ mới cảm ơn thầy bằng cách tán dương thầy theo phong cách thiền: “Chỉ một cái tật đó mà đến chết vẫn không chừa”. Nhị tổ khen học trò mình đã lĩnh hội nên theo phong cách thiền: đạp Huyền Quang một đạp.

Ấy thế mà có vài người cho rằng Tam tổ Huyền Quang đã giúp thầy mình là Nhị tổ Pháp Loa đạt ngộ lúc Nhị tổ sắp viên tịch!

Khi bệnh của Nhị tổ đến lúc trầm trọng, ai cũng biết là không thể qua khỏi. Hai vị Tổ lại có cuộc đối đáp thứ hai:

Tam tổ Huyền Quang hỏi: “Xưa nay khi sắp lìa đời, người ta buông bỏ là tốt hay nắm giữ là tốt?”, ý là nên buông bỏ xác thân và mọi thứ vật chất, danh vọng... hay nên giữ lại các thứ ấy. Nhị tổ đáp: “Giữ hay buông đều chẳng liên can gì cả.” Tam tổ hỏi tiếp: “Chẳng liên can gì cả là sao?”. Nhị tổ đáp: “Tùy xứ Tát-bà-ha.” Như đã nói khi bàn về Tát-bà-ha trên đây, ý Nhị tổ là: dù đến mọi cảnh giới, gặp mọi hoàn cảnh ngài đều an nhiên, tự tại, an lạc, vậy ơi, vậy đấy! Ở đây, một lần nữa, chứng tỏ cốt cách của bậc chứng đạo, của Nhị tổ Pháp Loa.

Đôi lời kết

Có thể nói gì thêm về chân dung, cốt cách của Tôn giả Pháp Loa? Đó là con người gốc nông dân, sinh trưởng ở miền quê, ít học hành nhưng lại tiềm ẩn một cốt cách của bậc đại trí, đại hạnh. Chỉ sau 2 năm xuất gia cầu đạo với Sơ tổ Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, được dạy dỗ và mặt khác lại có trí tuệ tự phát triển qua quá trình tu tập thầm lặng, đã trở thành một tông tượng của thiền môn. Đây cũng tương tự như trường hợp Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông Trung Hoa, đến cầu đạo với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, âm thầm tu tập trong suốt 6 tháng giữ phần việc giã gạo, trí tuệ bộc phát, được Ngũ tổ truyền y bát, trở thành Lục tổ.

Giáo lý của Tôn giả Pháp Loa cũng chính là giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vốn có ảnh hưởng khá sâu đậm từ giáo lý của Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông Trung Hoa, nhưng mặt khác, Thiền của Pháp Loa hay Thiền của Trúc Lâm Yên Tử đã được chuyển biến phù hợp với đất nước và con người Việt Nam.

Cốt cách của Tôn giả là cốt cách của bậc chứng đạo, giản dị mà công trạng lại lớn lao. Công trạng lớn lao ấy được ngài xem như ảo ảnh, huyễn giả. Giáo lý của ngài nhằm nói đến Tánh không, chân không, Phật tánh, chân tâm, bất nhị, vô phân biệt. Cái tâm hay đạo, hay Phật tánh, Pháp thân được ngài mô tả phù hợp với sự mô tả của Tam tổ Tăng Xán của Trung Hoa:

Viên đồng Thái hư

Vô phiến vô dư

Lương do thủ xả

Sở dĩ bất như.

(Tròn đầy Thái hư

Không thiếu, không dư

Chỉ vì buông, nắm

Do vậy chẳng như)

Hòa thượng Thích Giác Toàn

------------

Tài liệu tham khảo: Thích Phước Sơn dịch và chú giải, Tam Tổthực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995; HT.Thích Thanh Từ, Tam TổTrúcLâmgiảng giải, thientongvietnam.net; Bản PDF nguyên bản chữ Hán Tam Tổthực lục; Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáosửluận, tập I, nxb Văn Học, 2014; Trần Tuấn Khải, Tam Tổhành trạng, nhatbook.com

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ton-gia-phap-loa-hinh-anh-cua-su-dat-ngo-post54380.html