Tôn giả Xá-lợi-phất giáo hóa bệnh Cấp Cô Độc
Trước khi mất mà tâm an trú vào Phật-Pháp-Tăng thì chắc chắn sẽ sinh vào cõi lành.
Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài thường đi thăm bệnh các Tỳ-kheo và một số gia đình Phật tử thân tín. Các vị đệ tử lớn như Tôn giả Xá-lợi-phất, A-nan cũng thường thay mặt Thế Tôn đi thăm bệnh. Nhất là lúc bệnh nặng sắp mất, sự có mặt của các Tỳ-kheo an ủi, giáo giới, nhắc lại các thiện nghiệp sẽ khiến cho người bệnh từ trần trong hoan hỷ. Nhờ ra đi với cận tử nghiệp trong sạch, trọn vẹn niềm tin Tam bảo mà họ được tái sinh vào các cõi lành.
Ngày nay, hạnh lành thăm bệnh này vẫn được chư Tăng duy trì. Không chỉ an ủi và giáo giới trước khi mất, sau khi họ chết rồi chư Tăng còn tiếp tục cầu siêu ít nhất đến 49 ngày. Đối diện với sinh tử là thời khắc cô quạnh và bi thương nhất của kiếp người. Bấy giờ, với người đang hấp hối thì công danh, sự nghiệp, bạc tiền không còn ý nghĩa. Ai may mắn thì còn chút tình thân của vợ/chồng con cháu kề bên. Ai nhiều phước đức mới được chư Tăng và đạo hữu hộ niệm, hướng dẫn sám hối, nhắc lại các thiện nghiệp đã làm, củng cố niềm tin Tam bảo, hiện hành cận tử nghiệp trong sạch.
"Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc thân mang trọng bệnh. Xá-lợi-phất, bằng thiên nhãn thanh tịnh thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc thân mang trọng bệnh, bèn nói với A-nan:
- Thầy cùng tôi đi đến thăm Trưởng giả Cấp Cô Độc.
Lúc bấy giờ, đến giờ, A-nan khoác y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; lần hồi đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc, ngồi lên chỗ ngồi. Khi ấy Xá-lợi-phất đang ở trên chỗ ngồi, nói với Trưởng giả Cấp Cô Độc:
- Bệnh của ông nay có thêm bớt gì không? Có thấy đau nhức bớt dần mà không tăng thêm nặng không?
Trưởng giả đáp:
- Bệnh của con giờ rất ít hy vọng. Chỉ cảm thấy tăng chứ không cảm thấy giảm.
Xá-lợi-phất nói:
- Bây giờ trưởng giả hãy nhớ tưởng Phật, rằng Như Lai là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, hiệu Phật Thế Tôn. Ông cũng hãy nhớ tưởng Pháp, rằng Pháp của Như Lai rất sâu thẳm, đáng tôn, đáng quý, không gì sánh bằng, là điều mà Hiền Thánh tu hành. Ông cũng hãy nhớ tưởng Tăng, rằng Thánh chúng của Như Lai hòa thuận trên dưới, không tranh tụng, thành tựu pháp tùy pháp. Thánh chúng ấy thành tựu giới, thành tựu tam muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Tăng ấy gồm bốn đôi tám hạng. Đấy gọi là Thánh chúng của Như Lai đáng tôn, đáng quý, là ruộng phước vô thượng của thế gian.
- Này Trưởng giả, nếu ai tu hành niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, phước đức ấy không thể tính kể, đạt đến chỗ cam lộ diệt tận.
- Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, niệm Tam tôn Phật, Pháp, Thánh chúng, mà đọa vào ba nẻo dữ, không có trường hợp ấy. Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy tu niệm Tam tôn chắc chắn đi đến cõi lành, sanh lên trời, trong loài người".
(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Mười pháp, phẩm Phi thường, kinh số 8 [trích])
Trước khi mất mà tâm an trú vào Phật-Pháp-Tăng thì chắc chắn sẽ sinh vào cõi lành. Lúc khỏe mạnh, người niệm Phật (hoặc các đề mục thuộc lục niệm, thập niệm) có thể đạt được cận định. Nhờ uy lực Tam bảo và năng lực chánh niệm nên phát khởi tịnh tín, sinh tâm hoan hỷ. Nếu phát huy thiền quán, thấy rõ sát-na vô thường sinh diệt của thân, thọ, tâm, pháp thì có thể xả ly tham ái, dứt trừ vô minh, thành tựu giải thoát. Nếu chỉ có định tâm, tịnh tín và hoan hỷ được nuôi dưỡng đến cuối đời thì được sinh cõi lành.
Có thể xem, niệm Phật-Pháp-Tăng là pháp hành căn bản, phổ thông cho đại chúng vì dễ thực hành, kết quả hướng thượng, đi lên, không bị đọa lạc. Niệm Phật ở đây là niệm ân đức Phật bảo chứ không phải niệm danh hiệu của một Đức Phật. Về sau, một số phái Phật giáo Bắc truyền chủ trương trì danh, niệm danh hiệu Phật Thích Ca, A Di Đà, Dược Sư v.v… Cách niệm Phật này nếu kết hợp quán tưởng công đức của vị Phật đang niệm thì kết quả vẫn tương tự, sinh về cõi lành.
Lúc sắp mạng chung, tứ đại rã rời, tâm thần hôn ám, những nghiệp sâu nặng dấy khởi, dẫn dắt tái sinh. Nếu ai có huân tập niệm Phật sâu dày, có thể tự giữ vững chánh niệm, tự biết đường đi. Nếu ai chưa giữ vững chánh niệm, có người thăm viếng hộ niệm trợ duyên càng quý hóa. Thành ra, thăm người bệnh nặng sắp mất rồi giáo giới chính là Phật sự, có thể cứu độ cho người.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ton-gia-xa-loi-phat-giao-hoa-benh-cap-co-doc-post72698.html