Tốn hàng triệu đồng vì phải test nhanh liên tục
'Không chỉ thực hiện test nhanh mỗi ngày, chồng tôi còn xét nghiệm rRT-PCR 3 ngày/lần. Tôi cũng phải test thường xuyên vì công ty yêu cầu', một người phụ nữ ở Hà Nội chia sẻ.
Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn trên đà tăng mạnh. Lo sợ bản thân mắc Covid-19, không ít người dân sử dụng kit test nhanh thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe dù không xuất hiện triệu chứng bệnh.
Test nhanh mỗi ngày trước khi về nhà
M.N. (29 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chồng chị công tác trong ngành công an, thường xuyên phải tiếp xúc nhiều người. Vì vậy, mỗi ngày, trước khi trở về nhà, anh sẽ thực hiện test nhanh để đảm bảo an toàn cho vợ và con trai.
"Cách đây 2 ngày, chồng tôi đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Anh vẫn thực hiện test nhanh mỗi ngày như vậy. Ngoài test nhanh, chồng tôi còn xét nghiệm rRT-PCR, 3 ngày/lần. Bản thân tôi cũng phải test nhanh 2 ngày/lần vì cơ quan yêu cầu. Ai có kết quả âm tính mới được đi làm", chị N. kể.
Theo chị N., từ khi dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội, gia đình đã tiêu tốn 5-6 triệu đồng riêng tiền cho kit test nhanh Covid-19. Gần đây, các loại kit test khan hàng, giá bị đẩy lên cao, chị phải mua loại kit test nhanh của Mỹ với giá 100.000 đồng/kit, tăng 20.000 đồng so với trước đó. Chị mua hàng chục que test mỗi lần để sử dụng dần.
Bị xoang đã lâu, khi thời tiết trở lạnh, Đ.T.H. (26 tuổi, Hà Nội) thường ngạt mũi, ho. Đồng nghiệp tại công ty nghi ngờ cô mắc Covid-19 nên H. phải test nhanh thường xuyên để những người xung quanh yên tâm.
Bên cạnh đó, công ty của cô liên tục phát hiện F0 mới, vì vậy H. cũng phải thực hiện test nhanh Covid-19 do có tiếp xúc.
"Trung bình cứ 3 ngày tôi phải test nhanh Covid-19 một lần. Nếu tôi đi công tác, công ty cũng yêu cầu test nhanh và khi trở về tiếp tục thực hiện một lần nữa. Kit test do nhân viên tự mua, không được công ty hỗ trợ nên tôi đã tốn khá nhiều tiền cho việc này. Thực hiện test nhanh quá nhiều, tôi rất ám ảnh. Trong lần test gần nhất, tôi bị tổn thương mũi, chảy máu cam", T.H. chia sẻ.
"Chúng ta đang sử dụng test nhanh rất lãng phí"
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết ông đã đến 10 cửa hàng thuốc hỏi mua test nhanh, có tới 7 nơi không còn. Nếu có, giá kit test nhanh đều tăng.
"Chúng ta đang sử dụng test nhanh rất lãng phí. Có những bệnh nhân theo dõi tại nhà, ngày test đến 3 lần vào sáng, trưa, chiều tối. Ngày nào cũng test để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào âm tính. Một người dương tính thì cả nhà đều test liên tục. Người có triệu chứng test, người không triệu chứng cũng test. Thậm chí, có gia đình không ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ hãi Covid-19", bác sĩ Phúc nói.
Theo ông, những quốc gia có nền y tế phát triển nhưng khi đối mặt với biến thể Omicron, họ cũng rơi vào khan hiếm trầm trọng test nhanh Covid-19.
Vì vậy, Mỹ kêu gọi người dân không xét nghiệm nếu không có triệu chứng. Florida đưa ra "chỉ số tin cậy - trust index" xét nghiệm Covid-19, theo đó, chỉ nên test khi kết quả mang lại "giá trị cao - high value" và ngược lại "giá trị thấp - low value" thì không cần test.
Ví dụ, nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền hoặc những bệnh nhân nằm viện được gọi là "giá trị cao" nên test nhanh. Nếu dương tính, họ sẽ được thay đổi kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh, áp dụng biện pháp phòng ngừa.
Ngược lại, những người khỏe mạnh, không triệu chứng, học sinh và giáo viên, công nhân, nhân viên công sở, sẽ được coi là "giá trị thấp" thì không cần phải test nhanh.
"Theo tôi, Việt Nam nên học cách làm của Florida. Có nghĩa, chúng ta chỉ test nhanh những ca có triệu chứng hoặc nhằm mục đích chẩn đoán trong bệnh viện như phân biệt giữa viêm phổi do Covid-19 hay vi khuẩn, kiểm tra ở người có nguy cơ mắc Covid-19 sẽ chuyển bệnh nặng.
Với biến thể Omicron, nếu chúng ta tiếp tục test nhanh tràn lan như hiện nay, không những rơi vào tình trạng khan hiếm kit test mà còn khủng hoảng trầm trọng tới nguồn nhân lực lao động. Bệnh viện, trường học, các cơ quan công sở, nhà máy thiếu nhân lực nếu quy định phải test để bóc tách ca dương tính cách ly. Khủng hoảng tiếp theo là hệ thống y tế sẽ quá tải", BS Phúc phân tích.
ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc test nhanh liên tục là không cần thiết. Người dân chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, đau ngực.
Bác sĩ Thái cũng khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được virus mà còn gây lãng phí và tốn kém. Bên cạnh đó, việc này còn tạo cảm giác an toàn giả, dễ buông lỏng các biện pháp phòng bệnh.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, cho hay Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit test nhanh SARS-CoV-2. Đại diện Bộ Y tế nhận định thông tin từ các kênh cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá.
Bộ cũng sẽ đăng tải các thông tin, công khai giá, công khai kết quả trúng thầu; đăng tải công khai các sản phẩm đã được cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu cũng như các sản phẩm bị thu hồi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ton-hang-trieu-dong-vi-phai-test-nhanh-lien-tuc-post1298681.html