Tồn kho chỉ bằng 2,5% doanh thu, Xăng dầu Hải Dương bao giờ bị rút giấy phép?

Vì những vi phạm trong năm 2021, việc rút giấy phép của Công ty Xăng dầu Hải Dương đã được Thanh tra Bộ Công Thương đề cập tới. Sang năm 2022, vi phạm này tiếp diễn nhưng công ty vẫn chưa bị rút giấy phép.

Bị Thanh tra Bộ Công Thương đề cập đến việc rút giấy phép

Cuối tháng 12/2022, Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra tại một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng vào cuộc.

Trong số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công Thương và Quản lý thị trường vào kiểm tra tình hình hoạt động trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm quy định về dự trữ, vi phạm về hệ thống đại lý, hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra tràn lan với những doanh nghiệp đầu mối tư nhân mới được cấp phép.

Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương (Công ty Xăng dầu Hải Dương) là một trong những cái tên bị chỉ ra nhiều vi phạm. Một trong những vi phạm là không dự trữ xăng dầu ở mức tối thiểu theo quy định.

Dù là thương nhân đầu mối nhưng Công ty Xăng dầu Hải Dương duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

 Vì những vi phạm trong năm 2021, việc rút giấy phép của Công ty Xăng dầu Hải Dương đã được Thanh tra Bộ Công Thương đề cập tới. Sang năm 2022, vi phạm này tiếp diễn nhưng công ty vẫn chưa bị rút giấy phép. Ảnh minh họa

Vì những vi phạm trong năm 2021, việc rút giấy phép của Công ty Xăng dầu Hải Dương đã được Thanh tra Bộ Công Thương đề cập tới. Sang năm 2022, vi phạm này tiếp diễn nhưng công ty vẫn chưa bị rút giấy phép. Ảnh minh họa

Cụ thể: tồn kho xăng các loại trong 11 tháng liên tiếp năm 2021 đều thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 4.183,3 m3. Mức dự trữ dầu DO tháng 4, tháng 6 và tháng 12 năm 2021 cũng thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 9.881 m3. Doanh nghiệp này còn không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã kiến nghị vụ Thị trường trong tham mưu Bộ trưởng thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (nếu có vi phạm) đối với Công ty Xăng dầu Hải Dương.

Tuy nhiên, cho tới nay, hơn nửa năm trôi qua, chưa có công văn thu hồi nào được công bố.

Hàng tồn kho liên tục ở mức thấp

Quy định dự trữ tối thiểu được tính theo trọng lượng. Còn nếu tính theo giá trị, giá trị hàng tồn kho tại Công ty Xăng dầu Hải Dương cũng thấp hơn 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm trước rất nhiều.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho của Công ty Xăng dầu Hải Dương chỉ là 117 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cuối năm 2022 chỉ bằng 2,5% doanh thu công ty năm 2021. Năm 2021, công ty đạt 4.719 tỷ đồng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, nếu quy giá trị dự trữ tối thiểu theo giá trị thì hồi cuối năm 2022, dự trữ tại Xăng dầu Hải Dương sẽ là 388 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều con số 117 tỷ đồng.

Không chỉ thấp hơn giá trị 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2021, hàng tồn kho tại Xăng dầu Hải Dương chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng tài sản.

Hồi cuối năm 2022, tổng tài sản lên tới 1.312 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 972 tỷ đồng của năm 2021. Như vậy, giá trị hàng tồn kho chỉ bằng 8,9% tổng tài sản.

Đáng chú ý, Xăng dầu Hải Dương giảm giá trị hàng tồn kho dù có nhiều tiền. Cuối năm 2022, công ty ghi nhận 286 tỷ đồng tiền mặt (tăng mạnh so với 188 tỷ đồng của năm 2021) và 223 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng mạnh so với 92,5 tỷ đồng).

Được tôn vinh nộp thuế tiêu biểu nhưng… nợ thuế

Có trong tay lượng tiền dồi dào, lên đến 509 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu nhưng Xâng dầu Hải Dương lại mang rất nhiều tiền đi… gửi ngân hàng và ghi nhận lượng nợ thuế không hề nhỏ.

Tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Thuế và các phải nộp Nhà nước tại Xăng dầu Hải Dương đạt 31,2 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu này thậm chí còn lên tới 104 tỷ đồng.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 12 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng phải nộp là 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phải nộp các loại thuế khác gần 15,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đây, trong năm đầu tiên được trao giấy phép xăng dầu đầu mối, Xăng dầu Hải Dương đã được tôn vinh là đơn vị nộp thuế tiêu biểu.

Cụ thể, tháng 5/2019, công ty được Bộ Công thương cho phép trở thành đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Năm 2019, công ty đã nộp ngân sách tỉnh hơn 120 tỷ đồng, trở thành một trong những doanh nghiệp nộp thuế lớn trên địa bàn.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ton-kho-chi-bang-25-doanh-thu-xang-dau-hai-duong-bao-gio-bi-rut-giay-phep-post256479.html