Tồn quỹ ngân sách không phải để bố trí chi cho các nội dung khác
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện mức tồn quỹ ngân sách là 1,043 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn, hiện tồn đọng do chưa sử dụng hết, chứ không phải nguồn để bố trí cho các nội dung khác.
Thu ngân sách nhà nước quý I/2023 ước đạt 30,3% dự toán Quyết toán ngân sách năm 2021: Mức vay giảm 25,1% so với dự toán Các nhiệm vụ chi phải thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước
Sáng 1/6, sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu giải trình cụ thể về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách.
Điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 thành công rực rỡ
Nhìn lại năm 2022, Bộ trưởng khẳng định, dù còn những vấn đề, điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 đã thành công rực rỡ với tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%; thu ngân sách vượt so cùng kỳ là 15,7% và vượt dự toán 28,6%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh; bội chi ngân sách, nợ công giảm…
Đối với ý kiến cho rằng lập dự toán không sát, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải thời điểm lập dự toán cho năm 2022 là tháng 9/2021, lúc dịch Covid đang bùng phát, GDP quý III tăng trưởng âm 6,02%, thu ngân sách tháng 9 giảm 46% so với cùng kỳ, nên dự toán được lập sát tình hình lúc đó. Sang năm 2022, chúng ta chống dịch thành công, GDP cả năm tới 8,02%, nên thu ngân sách đã vượt dự toán 403,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, nhiều nguồn thu tăng vượt dự toán như dầu thô tăng do giá tăng và sản lượng tăng, thu từ xuất nhập khẩu tăng do hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh. Thu đất đai vượt dự toán tới 74 nghìn tỷ đồng, trong đó có 21 nghìn tỷ đồng tăng từ việc rà soát lại kê khai giá khi chuyển nhượng… Những kết quả này cho thấy điều hành tài khóa năm 2022 tương đối thành công, Bộ trưởng nhận xét.
Huy động ODA với lãi suất 0,01%/năm
Báo cáo về năm 2023, Bộ trưởng cho biết dự kiến thực hiện miễn, giảm, gia hạn 195,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, trong đó số miễn, giảm là 79,2 nghìn tỷ đồng, số gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng. Về huy động nguồn vốn, mới đây Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính ký hiệp định với Nhật Bản vay 50 tỷ yên, với lãi suất chỉ 0,01%/năm. Đây cũng một thành công trong việc triển khai huy động nguồn vốn ODA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xây dựng gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế với nguồn lực dự kiến 347 nghìn tỷ đồng, trong đó có 176 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Ngay sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, Chính phủ đã ban hành nghị định triển khai. Sau khi năm 2021 thực hiện miễn, giảm, giãn thuế đạt 132,4 nghìn tỷ, năm 2022 đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí… lên tới 200,3 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, các dự án đường bộ cao tốc được khởi công, khánh thành liên tục tạo nên mạng lưới kết nối giao thông thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên toàn quốc.
Liên quan đến số tồn dư ngân sách 1 triệu tỷ đồng mà một số đại biểu nêu, báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ hiện mức tồn quỹ là 1,043 triệu tỷ đồng, đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 895 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0,8%/năm, một phần khác gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại. Số tồn quỹ này là nguồn nhàn rỗi tạm thời gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn, hiện tồn đọng do chưa sử dụng hết, chứ không phải nguồn để bố trí cho các nội dung khác.
Phân cấp mạnh hơn nữa cho các bộ, ngành, địa phương
Trong phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề cập đến tồn tại trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về vấn đề này cho hay, vừa qua có việc các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm ký hợp đồng để ngân hàng tư vấn bán bảo hiểm cho khách hàng và hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng dài dòng, chưa rõ ràng, nên thường người mua đọc không kỹ dẫn đến xảy ra thua thiệt khi khiếu kiện.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã liên tục phối hợp với NHNN kiểm tra, xử lý nghiêm những ngân hàng, công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng các nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trong đó tập trung vào nguyên tắc cung cấp sản phẩm bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo rõ ràng hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ các bên, quy định rõ về mức hoa hồng, thưởng tối đa, về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… để quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình tại phiên họp là quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Bộ trưởng, lộ trình thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là đảm bảo tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, nên cần phải ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành. Qua 3 năm triển khai Nghị định 60 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn về nguồn thu, nhất là trong y tế, giáo dục… và đã nêu ra những bất cập trong Nghị định 60.
Khẳng định trong quá trình phát triển có nhiều vấn đề phát sinh cần được tiếp thu để chỉnh sửa kịp thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan đơn vị có các văn bản góp ý để Bộ Tài chính tiếp thu, báo cáo Chính phủ để sửa đổi cho phù hợp.
Đối với việc giao dự toán cho các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự toán cho các chương trình gồm có cả chi thường xuyên và chi đầu tư, chi đầu tư là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Bộ Tài chính đã có ý kiến trao đổi, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao phần này về cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ tương tự như giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Tăng cường phân cấp để các bộ, ngành, địa phương phân bổ, các cơ quan trung ương chỉ ban hành định mức, tiêu chuẩn, tiêu chí thì nhanh hơn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu ý kiến.
Hành động hướng tới doanh nghiệp
Cuối phần giải trình, đánh giá chung về nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định khó khăn hiện nay vấn đề tổng cầu. Để tăng tổng cầu cần phải tăng tiêu dùng xã hội, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư công… Do đó Bộ trưởng đề nghị phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương, bộ, ngành. Các cơ quan tập trung giải quyết vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là đất đai, công trình điện, cung ứng vốn…
Với quan điểm, doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì sẽ giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách, Bộ trưởng nhấn mạnh cần “hành động, hành động và hành động hướng đến doanh nghiệp”.