Tồn tại suốt 600 năm, nhưng vì sao Tử Cấm Thành chưa bao giờ bị ngập úng?
Hãy cùng tìm hiểu vũ khí bí mật giúp Tử Cấm Thành chưa từng ngập suốt 600 năm.
Tử Cấm Thành, hay còn gọi là Cố Cung, là khu phức hợp cung điện nằm ở phía đông Bắc Kinh với diện tích 720.00 m2 và 980 tòa nhà. Cung điện khởi công năm 1406, hoàn thành năm 1420, là nơi sinh sống của nhiều hoàng đế Trung Hoa từ thời nhà Minh tới cuối đời nhà Thanh suốt 500 năm.
Tử Cấm Thành là khuôn viên hình chữ nhật, địa hình cao ở phía bắc thấp dần về phía nam. Thần Võ Môn, cửa điện ở phía sau cùng, nằm ở độ cao 46,05 mét. Ngọ Môn, cửa đầu tiên vào Tử Cấm Thành, nằm ở độ cao 44,28 mét.
Chênh lệch chiều cao giữa đầu và cuối hình chữ nhật khoảng 2 mét, tạo thành điều kiện thoát nước tự nhiên. Ngoài ra, lối đi và các tòa nhà nằm ở trục giữa xây ở vị trí cao nhất, thấp dần sang hai bên. Quy tắc xây dựng này đảm bảo nước mưa không bị ứ đọng.
Trước quảng trường Điện Thái Hòa là sân thượng tam cấp xây bằng đá cẩm thạch trắng. Sân gồm ba tầng, cao hơn 7 mét, quanh mỗi tầng có nhiều đầu rồng. Mỗi khi trời mưa, nước thoát ra từ 1.142 miệng rồng tạo nên kỳ quan "Thiên Long Phún Thủy".
Ở nhiều con đường và góc sân đều có các lỗ cống thoát nước. Toàn bộ nước mưa sẽ chảy vào hệ thống cống lộ thiên và cống ngầm, hòa vào kênh Kim Thủy và chảy ra kênh hộ thành bao quanh bên ngoài Tử Cấm Thành.
Chênh lệch chiều cao giữa kênh Kim Thủy và kênh hộ thành là hơn 50 mét, đảm bảo nước luôn chảy từ trong Cố Cung ra ngoài một cách tự nhiên.
Tất cả những yếu tố này là vũ khí bí mật giúp Tử Cấm Thành từ khi xây dựng tới nay chưa từng bị ngập.