Tôn Thất Lập - Vang mãi những bài ca
Ngày 5/8, tại Nhà hát Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc - Nhạc sĩ Tôn Thất Lập với chủ đề 'Tôn Thất Lập - Vang mãi những bài ca'. Chương trình nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp của nhạc sĩ Tôn Thất Lập.
Chương trình gồm 3 chương "Cánh chim từ vùng lửa đỏ", "Bài ca cho người đi giữ quê hương" và "Tình yêu mãi mãi" với 18 tiết mục đặc sắc. Chương trình giới thiệu đến công chúng những sáng tác hơn 60 năm, bền bỉ qua những giai đoạn lịch sử của nhạc sĩ Tôn Thất Lập như "Hát cho dân tôi nghe", "Người đợi người", "Đồng lúa reo", "Tình ca mùa xuân",…
Chương trình có sự tham gia của các văn, nghệ sĩ: Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh, Phương Thanh, Hiền Thục, Lân Nhã, Quốc Đại, Duyên Huyền, Thanh Sử, Cao Công Nghĩa, Dương Quốc Hưng, Thanh Ngọc, Tùng Lâm, Lưu Hiền Trinh, Phan Ngọc Luân, Thùy Trinh, Trúc Lai, Đăng Quân, Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn, Nhóm Lạc Việt, Nhóm 135, Nhóm Aria Arts Center, Nhóm ca múa MTV.SG cùng các nhóm múa.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận, trong thời kỳ Thành phố Hồ Chí Minh bước vào công cuộc xây dựng và phát triển, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã đóng góp rất tích cực vào sự nghiệp văn học nghệ thuật của Thành phố. Những sáng tác của ông trong giai đoạn này thể hiện hơi thở thời đại, tạo thêm luồng gió mới, nhịp sống tràn đầy khát vọng.
Những tác phẩm như "Tình ca mùa Xuân", "Tình ca tuổi trẻ", "Trị An âm vang mùa xuân"… được nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác đầy cảm hứng bằng một ngôn ngữ âm nhạc của riêng ông. Ông đã cùng các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên và nhiều nhạc sĩ nữa lập ra nhóm nhạc sĩ sáng tác mang tên "Những người bạn" để tiếp tục đóng góp cho nền âm nhạc hôm nay những nhạc phẩm để đời mà đối với riêng ông là "Tình yêu mãi mãi".
Giao lưu tại chương trình, Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho rằng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập luôn dành tình cảm đặc biệt cho các nhạc sĩ trẻ, luôn hỗ trợ, truyền lửa và chia sẻ kinh nghiệm với họ. Những sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập luôn là bài học quý để người trẻ nhìn và học theo. Ông luôn thận trọng trong từng sáng tác, cân nhắc từng giai điệu với mong muốn chuyển tải được ý tứ sâu xa. Khi tác phẩm được dàn dựng đến với công chúng, ông luôn sát sao để các ca sĩ có thể thể hiện đúng ý của ca khúc. Tất cả sự tỉ mỉ đó giúp các ca khúc của nhạc sĩ Tôn Thất Lập luôn có giá trị và giữ được sức sống bền lâu.
Ngày 26/7/2023, Nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 81 tuổi. Với sự cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương trong lòng người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng hoạt động trong phong trào âm nhạc "Hát cho đồng bào tôi nghe", là gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào đấu tranh đô thị của giới trẻ miền Nam trước năm 1975. Những sáng tác thời tuổi trẻ của ông gây tiếng vang như "Xuống đường", "Lúa reo trên những cánh đồng"... Sau này, ông công tác tại Sở Văn hóa, Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố), sáng tác thêm các ca khúc "Tình ca mùa xuân", "Tình ca tuổi trẻ", "Trị An âm vang mùa xuân", "Mưa thì thầm"...
Năm 2022, ở tuổi 80, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có chương trình cuối nhìn lại sự nghiệp sáng tác của ông với chủ đề "Hát cho dân tôi nghe" tổ chức tại Nhà hát Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 vào năm 2007.