Tổn thất lớn sau 3 năm xung đột, Ukraine 'đi trên dây' khi Mỹ quay lưng

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ 4 với những bước ngoặt bất ngờ và đầy kịch tính. Ukraine đã nỗ lực đối phó với một đối thủ vượt trội hơn về nhân lực và vật lực suốt thời gian qua, nhưng tình thế ngày càng bất lợi cho Kiev khi căng thẳng giữa nước này và Mỹ gia tăng.

Mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ - quốc gia hỗ trợ về mặt quân sự lớn nhất của Kiev kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2/ 2022, đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Ukraine đang rơi vào tình thế khó khăn khi xung đột bước sang năm thứ 3. Ảnh: Getty

Ukraine đang rơi vào tình thế khó khăn khi xung đột bước sang năm thứ 3. Ảnh: Getty

Dựa trên những diễn biến vừa qua, giới phân tích cho rằng, viễn cảnh về việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự ngày càng lu mờ và nhiều khả năng Ukraine sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình không như mong muốn, trong đó nước này buộc phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Ngay cả viễn cảnh Mỹ sẽ hỗ trợ sứ mệnh gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Ukraine trong tương lai cũng không khả thi, khiến Ukraine trở nên lạc lõng và dường như bị cô lập sau ba năm dài chống chọi với Nga.

"Các cuộc đàm phán ngừng bắn đầu tiên giữa Mỹ và Nga về Ukraine trong tuần qua không mang lại nhiều lý do để Kiev lạc quan", Andrius Tursa - Cố vấn về rủi ro tại Trung và Đông Âu tại công ty tư vấn Teneo nhận định.

"Washington đã bày tỏ tín hiệu sẵn sàng xem xét một số yêu cầu của Nga làm suy yếu an ninh lâu dài của Ukraine, trong khi đó, sự tan băng trong quan hệ Nga – Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về một thỏa thuận ngừng bắn có thể bất lợi cho Ukraine. Những lời chỉ trích của ông Trump đối với Tổng thống Ukraine Zelensky đang thúc đẩy tâm lý xa rời Mỹ ở Ukraine và làm gia tăng căng thẳng xuyên Đại Tây Dương", ông Andrius Tursa lưu ý.

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Ukraine

Căng thẳng giữa Mỹ và Ukraine lên đến đỉnh điểm trong tuần qua khi các quan chức Mỹ tái lập quan hệ với các đối tác Nga, gạt Ukraine khỏi các cuộc đàm phán sơ bộ đặt nền tảng cho hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky liên tục đưa ra những lời chỉ trích lẫn nhau.

Ông Zelensky cho rằng Tổng thống Mỹ đang "sống trong bong bóng thông tin sai lệch của Nga". Đáp trả lại, ông Trump nói, nhà lãnh đạo thời chiến của Ukraine là "kẻ độc tài không có bầu cử" và cảnh báo rằng ông ấy "tốt hơn nên hành động nhanh chóng nếu không đất nước sẽ chẳng còn ai". Về phần mình, Tổng thống Ukraine cho biết việc tổ chức bầu cử trong thời kỳ thiết quân luật và xung đột là điều không khả thi.

Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng khiến Ukraine và châu Âu sửng sốt khi tuyên bố rằng việc Ukraine gia nhập NATO là "không thực tế" và Kiev khó có khả năng giành lại lãnh thổ mà họ đã mất kể từ năm 2014 – thời điểm Nga sáp bán đảo Crimea ở Biển Đen.

Ông Hegseth cũng cho biết, Mỹ sẽ không triển khai quân đội để giúp duy trì hòa bình ở Ukraine theo bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai, vì ông đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ sẽ phải hành động và tự chịu trách nhiệm cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Cho đến nay, các quan chức châu Âu vẫn chia rẽ về đề xuất điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine trong kịch bản hậu xung đột.

Những người theo dõi sát sao diễn biến cuộc chiến và quan hệ địa chính trị giữa Mỹ - châu Âu đã chỉ trích cách tiếp cận của Washington, cho rằng chính quyền ông Trump đã nhượng bộ quá nhiều cho Nga ngay cả khi các cuộc đàm phán chưa bắt đầu thông qua việc loại bỏ đòn bẩy tiềm năng của Ukraine với tư cách là ứng viên xin gia nhập NATO.

Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg cho rằng: "Ông Trump đã nhượng bộ Nga ngay cả trước khi diễn ra bất kỳ cuộc đàm phán nào với Ukraine nhằm hướng tới một thỏa thuận cân bằng hơn. Trong khi đó, Nga không nhượng bộ bất kỳ điều gì. Điều này chỉ có thể khuyến khích Moscow đẩy mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong một động thái nhằm đổ thêm dầu vào lửa, ông Trump đã đặt câu hỏi về vai trò hợp pháp của ông Zelensky và đổ lỗi cho Ukraine vì đã không nhượng bộ trước các yêu cầu của ông Putin cách đây nhiều năm. Có vẻ như ông Trump đã tán thành hầu như toàn bộ câu chuyện sai sự thật của Nga về cuộc chiến tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ năm 1945".

Ván cược đang nghiêng về phía Nga?

Những rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Ukraine khiến tình thế chuyển sang hướng có lợi cho Nga. Khi được hỏi về vấn đề này, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng "Chính quyền Kiev thích sống bằng tiền quyên góp - ý nói đến viện trợ quân sự và không thích bị ràng buộc trách nhiệm".

Từ trước đến nay, Nga vốn coi Mỹ là đối thủ lớn, nhưng lập trường của nước này dường như đã thay đổi khi ông Trump nắm quyền. Tuần trước Tổng thống Putin đã ca ngợi cuộc đàm phán Nga-Mỹ, nói rằng ông đánh giá cao cuộc đàm phán này.

"Phía Mỹ khá cởi mở với quá trình đàm phán mà không có bất kỳ thành kiến nào về những gì đã xảy ra trong quá khứ", ông Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga cũng khen ngợi ông Trump vì đã thể hiện "sự kiềm chế" giữa lúc các nhà lãnh đạo châu Âu đang tức giận vì bị loại khỏi các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine.

Theo giới phân tích, Nga vốn không chịu bất cứ sức ép nào về việc ký kết một thỏa thuận mà họ không mong muốn. Đến thời điểm hiện tại, Moscow vẫn giữ nguyên lập trường về những điều khoản mà họ đã đưa ra như: Ukraine buộc phải công nhận quyền sở hữu của Nga với 4 khu vực mà Moscow sáp nhập vào tháng 9/2022, cùng với bán đảo Crimea, rút quân khỏi các khu vực này. Kiev phải cam kết trở thành quốc gia trung lập vĩnh viễn, giới hạn hoạt động của lực lượng vũ trang. Ukraine phải công nhận và trao cho người dân quyền được sử dụng tiếng Nga, đồng thời cấm các đảng cực hữu. Đó là những điều khoản mà Ukraine cho rằng họ không thể chấp nhận được. Hơn nữa, Ukraine vẫn chưa rơi vào tình thế tuyệt vọng để buộc họ phải chấp nhận một thỏa thuận như vậy.

Cách duy nhất để Ukraine chấp thuận thỏa thuận có các điều khoản trên là Kiev phải sụp đổ hoàn toàn về mặt quân sự - điều rất khó xảy ra ở thời điểm hiện tại, hoặc phương Tây thống nhất gây áp lực buộc họ phải làm như vậy. Nhưng phương Tây đang chia rẽ về vấn đề này. Nhiều nước châu Âu cho rằng Ukraine phải tiếp tục chiến đấu cho đến khi họ tham gia đàm phán "với một vị thế mạnh mẽ hơn”. Theo giới phân tích, nhiều khả năng kết quả cuộc chiến vẫn được quyết định trên chiến trường.

Trên mặt trận, quân đội Ukraine đang phải gồng mình đối phó với các đợt tấn công liên tiếp của Nga khi có rất nhiều câu hỏi xoay quanh viện trợ tương lai của Mỹ. Không rõ các đối tác châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống này hay không nếu Washington chấm dứt viện trợ cho Kiev.

Evhen Kolosov, nhân viên y tế tại điểm chăm sóc cho các binh sỹ của Lữ đoàn Spartan của Ukraine đang chiến đấu ở miền Đông, cho biết quân đội nước này đã bị suy sụp về mặt tâm lý. "Họ vẫn đang chiến đấu nhưng thực sự họ đang rất mệt mỏi. Tinh thần của họ thậm chí còn suy sụp hơn về mặt thể chất. Thật khó khăn, nhưng đây là xung đột”.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters, CNBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ton-that-lon-sau-3-nam-xung-dot-ukraine-di-tren-day-khi-my-quay-lung-post1156880.vov