Tổn thương não vĩnh viễn vì ăn mật rắn
Chàng thanh niên 28 tuổi người Trung Quốc mắc động kinh từ 16 năm trước. Bác sĩ phát hiện một phần não bị mất do ký sinh trùng có nguồn gốc từ mật rắn.
Theo Sina, ngày 10/9, Tiểu Vĩ (28 tuổi) ngụ tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nhập viện vì bệnh động kinh phát tác. Theo chia sẻ của gia đình, Tiểu Vĩ bị động kinh từ 16 năm trước. Thường ngày, chàng trai phải dùng thuốc nhưng vẫn không hạn chế được những cơn động kinh với tần suất ngày càng nhiều kèm theo đau đầu chóng mặt.
Giáo sư Thịnh Cát Phương, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhân Dân Số 1 Chiết Giang, cho biết các triệu chứng bệnh của Tiểu Vĩ không giống với bệnh nhân động kinh bình thường. Khi phát bệnh kèm theo động kinh, Tiểu Vĩ còn bị co giật theo cơn, nôn ói, đôi lúc tê bì một số bộ phận cơ thể, thị lực lúc rõ lúc mờ.
Bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng này do ký sinh trùng trong não gây nên. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với kháng thể sán nhái đầu chẻ. Hình ảnh phim chụp MRI cũng nhiều lần chứng minh loài ký sinh trùng này dịch chuyển trong mô não.
Thông thường, phẫu thuật gắp sán là ưu tiên hàng đầu trong các phương pháp điều trị. Tiểu Vĩ bị sán nhái ký sinh trong khu chức năng thần kinh quan trọng của não như thị giác, xúc giác, khả năng vận động... Vì vậy, nếu có sai sót khi phẫu thuật, hậu quả rất khó lường. Bác sĩ Thịnh đã chỉ định cho dùng thuốc diệt sán và kết hợp theo dõi. Sau khi điều trị, bệnh nhân đã giảm co giật nhưng tổ chức mô não tại vị trí có sán đã bị tổn thương nên vẫn để lại di chứng.
Theo cha của Tiểu Vĩ, trước kia gia đình ông làm nghề bắt rắn. Người ta thường nói ăn mật rắn sống giúp cơ thể khỏe mạnh, thải độc nên từ khi Tiểu Vĩ lên 7 tuổi, ông đã cho con ăn mật rắn sống. Những người bắt rắn như ông cũng có thói quen này hoặc uống cùng rượu.
Bác sĩ Thịnh cho biết thêm sán nhái đầu chẻ còn có tên khoa học là Spirometra Mansoni, có nguồn gốc từ ếch nhái, rắn, các loài thủy sinh, đôi khi ký sinh trên mắt các vật nuôi trong gia đình. Khi loại sán này ký sinh trong cơ thể người, chúng có thể di chuyển lên mắt gây viêm giác mạc, kết mạc, tuyến lệ... Nghiêm trọng nhất là chúng di chuyển lên não và làm tổ ở các tổ chức mô não, gây ra những tổn thương không phục hồi. Nếu không được chẩn đoán chính xác, bệnh dễ nhầm với động kinh và khiến người mắc phải chịu đựng trong thời gian dài.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ton-thuong-nao-vinh-vien-vi-an-mat-ran-post990999.html