Tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản
Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị đổi tên Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, nhằm 'đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản, tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam'.
Văn bản của bộ nêu rõ: “Địa phương cũng cần chỉnh sửa hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo; lược bỏ các yếu tố mới, không xác thực về lịch sử. Nội dung quảng bá di tích lịch sử - văn hóa An Sơn miếu, địa điểm tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến hàng năm cũng cần điều chỉnh”.
Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (tháng 4-2022) đến nay, Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến vẫn có 2 chiều ý kiến: một bên là đề xuất của Bà Rịa - Vũng Tàu, được Bộ VH-TT-DL công nhận; chiều ý kiến còn lại là đề nghị rút công nhận di sản từ Hội đồng Nguyễn Phước tộc.
Câu chuyện công nhận di sản với ý kiến trái chiều này, gần như chưa từng có tiền lệ với những di sản cấp quốc gia trước đây. Việc này, một lần nữa cho thấy vai trò và tầm quan trọng của văn hóa - lịch sử dân tộc. Với giới trẻ, chiếm dụng hay tiếp dụng văn hóa được các bạn trẻ nhắc đến trên nhiều diễn đàn. Các thảo luận từ trực tiếp đến trực tuyến về vấn đề văn hóa bản địa, bản sắc dân tộc, thu hút nhiều lượt truy cập và bình luận phân tích của giới trẻ.
Gần đây nhất, câu chuyện những ca khúc Việt cổ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được nghệ sĩ trẻ nỗ lực làm mới bằng cách viết lời theo ngôn ngữ toàn dân (tiếng Kinh) và chuyển soạn phối khí cho dàn nhạc thính phòng nhỏ. Nỗ lực này rất đáng ghi nhận, bởi nếu không phổ biến đến cộng đồng lớn hơn thì văn hóa và bản sắc bản địa có thể mai một dần trong những làn sóng tiếp biến văn hóa.
Tuy nhiên, có những khúc hát thuộc về cộng đồng và sinh hoạt tín ngưỡng riêng, có giá trị thiêng liêng trong không gian riêng của đồng bào, như vậy việc trình diễn trên sân khấu và dùng đó để gây quỹ cộng đồng thì liệu ý nghĩa ban đầu của khúc hát có còn giá trị, nhất là khi tiếng nói của cộng đồng sở hữu di sản đó chưa được đề cập đến. Từ đó có thể thấy, lịch sử dù hàng ngàn năm trôi qua, phạm trù văn hóa dù rộng lớn, bao quát đến đâu, và di sản dù lâu đời, cốt yếu đến thế nào, vẫn phải gắn với cộng đồng chủ thể của di sản. Có gắn liền và hài hòa với đời sống cư dân, thì thời gian trôi qua bao lâu, nhiều giá trị có thể bị khuất lấp, nhưng sức sống của di sản trong lòng người, ắt còn lâu dài.
Trong sự phát triển của nhịp sống hiện đại, thiếu thốn hay đủ đầy về mặt vật chất thì rất dễ nhận ra, còn văn hóa như một cơn mưa dầm mà rất lâu sau đó người ta mới có thể thấm thía những thiếu sót. Tranh cãi về chuyện công nhận di sản, từ kiến nghị rút công nhận đến văn bản giải thích và hiện tại là đề nghị đổi tên, là một thiếu sót mà hơn lúc nào hết chúng ta cần nhìn nhận kịp thời.
Phải đặt văn hóa - lịch sử dân tộc ở vị trí xứng tầm trong tiến trình phát triển đất nước, để phát huy sức mạnh nội sinh. Giữ bản sắc dân tộc để mình không “hòa tan” trong tiến trình giao lưu và hội nhập quốc tế. Sự khác biệt về văn hóa và lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc là duy nhất và không nơi nào có thể giống hay sao chép nhau được.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ton-trong-cong-dong-chu-the-cua-di-san-823059.html