Tôn vinh 200 'Điểm tựa của bản làng'
Tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mới phối hợp tổ chức Lễ tôn vinh người có uy tín (NCUT) tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo lần thứ II, năm 2024 với chủ đề 'Điểm tựa của bản làng'. Tham dự chương trình có gần 200 đại biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo thuộc 47 dân tộc.
Đại biểu cao tuổi nhất là ông Đinh Văn Ranh, SN 1940 (84 tuổi), dân tộc Hre, ngụ xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Cao Xuân Long, SN 1996 (28 tuổi), dân tộc Chứt, Trưởng thôn Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Có 8 đại biểu là chức sắc tôn giáo; 7 đại biểu là cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Có 3 điển hình được tuyên dương ở lần 1 tiếp tục nhận sự tin tưởng, tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Cao Xuân Long là thế hệ thứ 2 của người Rục sau khi được chính quyền đưa từ rừng sâu, hang đá ra dựng nhà, lập bản ở vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng. Anh sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố mất sớm khi Long lên 10 tuổi. Ngày đó khổ cực trăm bề nhưng với ý thức và ý chí mãnh liệt, chàng trai người Rục đã vượt qua tất cả, quyết tâm đi tìm con chữ, tốt nghiệp trung học phổ thông.
Long kể: “Năm 2013 mình tốt nghiệp trung học phổ thông, đã đăng ký vào đại học rồi nhưng gia đình khó khăn, thương mẹ, thương các em ở nhà vất vả, mình đành về lại bản lấy vợ, quyết tâm làm kinh tế, để có điều kiện giúp các em được đến trường”.
Long là tấm gương điển hình của người Rục vượt qua đói nghèo, lạc hậu, cố gắng học tập, vươn lên trở thành đảng viên, là người nắm giữ 3 chức vụ trọng yếu của bản Mò O Ồ Ồ: Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng ban công tác mặt trận. Nay anh chỉ làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản.
Thiếu tá Đinh Lâm Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình được tăng cường sinh hoạt, làm Phó Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, cho biết: Cao Xuân Long ngoài nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, còn có nhiều ý tưởng giúp bà con dân bản trong lao động, sản xuất, giữ vững an ninh, trật tự thôn bản. “Long là người đưa ra ý tưởng và thuyết phục dân bản cách nuôi bò hạn chế được bò thả rông, phá hoại hoa màu, phóng uế bừa bãi… Trước khi Long làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản thì cả bản đều thuộc diện đói nghèo. Nhưng từ khi Long lên làm “thủ lĩnh” (2017) đến nay, bản có 77 hộ thì nay đã có 39 hộ thoát nghèo, đạt tỉ lệ hơn 50%. Đây là 1 kỳ tích”.
Long vinh dự được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận giai đoạn 2017 - 2022”, được mời ra Hà Nội dự lễ vinh danh điển hình vào tháng 11/2022. Lần đó, anh là người trẻ nhất toàn quốc được vinh danh.
Ngày 1/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg về “Phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Qua 15 năm tích cực triển khai Chỉ thị, cả nước hiện có hơn 30 nghìn NCUT, được cộng đồng ghi nhận, kính nể, góp phần tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết và phát triển trong mỗi thôn bản, buôn làng, phum sóc.
Tiếp nối thành công của Chương trình lần I, Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần II nhằm mục tiêu tôn vinh phát huy vai trò của những NCUT tiêu biểu ở vùng biên giới, hải đảo nhằm biểu dương kịp thời những đóng góp quan trọng của NCUT trong cộng đồng và những người có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Đồng thời, Chương trình tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa NCUT trong cộng đồng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, qua đó nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ NCUT tiếp tục có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ton-vinh-200-diem-tua-cua-ban-lang-post515952.html