Tôn vinh áo dài
Từ châu Á đến châu Âu, hay tận vùng Bắc Mỹ xa xôi, thời gian qua, cộng đồng người Việt đã có nhiều hoạt động tôn vinh chiếc áo dài dân tộc. Chiếc áo dài xuất hiện trong các lễ hội văn hóa, ẩm thực, các cuộc giao lưu với bạn bè quốc tế, thậm chí có cả những sự kiện dành riêng cho chiếc áo dài. Đó vừa là cách gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là hình thức ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân để quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Quảng bá hình ảnh đất nước
Cộng đồng người Việt tại Malaysia vừa có một “bữa tiệc” văn hóa đặc sắc khi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt tại bang Johor (Malaysia) tổ chức cuộc thi Duyên dáng áo dài Việt Nam. Cuộc thi đã được khởi động từ đầu năm 2022, với hơn 100 cô gái Việt đến từ khắp Malaysia tham gia các vòng thi tuyển.
Ở vòng chung kết tổ chức tại bang Johor, 20 thí sinh đã trải qua hai vòng thi: Trình diễn áo dài và thể hiện kiến thức về áo dài Việt Nam. 20 thí sinh người Việt hay gốc Việt tham gia cuộc thi đến đều đang sống, làm việc tại Malaysia, những cô gái trẻ đều có mong muốn được giới thiệu trang phục truyền thống của mình với bạn bè thế giới nói chung và Malaysia nói riêng. Những bộ trang phục thướt tha trên sân khấu, với khăn đóng đội đầu hay những hình vẽ về phong cảnh làng quê, những thắng cảnh nổi tiếng trên tà áo dài đã tạo nên một bức tranh quê hương Việt Nam với nhiều gam màu khác nhau. Đã khá lâu rồi, cộng đồng người Việt mới được sống trong bầu không khí đậm chất quê hương đến thế. Hàng trăm khán giả tham gia chương trình đều xúc động và tự hào.
Ông Nguyễn Như Hảo - Trưởng Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt tại bang Johor cho biết: “Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh nét đẹp trang phục truyền thống, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cuộc thi còn là dịp để cộng đồng người Việt tại Malaysia kết nối và thể hiện sức mạnh đoàn kết”.
Đánh thức những ký ức quê hương
Cũng trong những ngày tháng 10, tại thủ đô Washington DC (Mỹ), tà áo dài Việt Nam xuất hiện trong một sự kiện quốc tế khi Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham gia chương trình thời trang từ thiện của Ngoại giao Đoàn với chủ đề “Trang phục dự Chiêu đãi cấp Nhà nước”.
Với sự tham gia của đại diện hơn 40 Đại sứ quán các nước tại Washington DC, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ lựa chọn hai mẫu áo dài truyền thống, được thực hiện bởi nghệ nhân lụa Nguyễn Trọng Từ và nghệ nhân thêu Vũ Anh Tuấn để tham gia trình diễn tại sự kiện. Hai mẫu thiết kế đã giới thiệu đến đông đảo bạn bè quốc tế vẻ đẹp thanh lịch, mềm mại và tinh tế của tà áo dài Việt Nam - biểu tượng và niềm tự hào của dân tộc. Trong phần trình bày về hai mẫu áo dài, những nét đặc sắc của nghề dệt lụa tơ tằm và nghề thêu tay Việt Nam đã được lồng ghép khéo léo để có thể giới thiệu đến bạn bè quốc tế không chỉ nét đẹp của sản phẩm mà còn về tinh hoa nghề truyền thống Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay với khoảng 5,3 triệu người ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ có cuộc sống ngày càng ổn định, hòa nhập và phát triển, gắn bó với quê hương và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc. Nhưng khi sống xa quê hương, chiếc áo dài không chỉ là trang phục nữa mà mang ý nghĩa thiêng liêng. Nó là niềm tự hào. Chiếc áo dài đánh thức những ký ức quê hương. Cộng đồng người Việt chọn áo dài trong những dịp trang trọng nhất như một sự khẳng định bản sắc, khẳng định cội nguồn dân tộc.
Người Việt tôn vinh tà áo dài quê hương trong nhiều sự kiện khác nhau. Một trong những sự kiện nổi bật nhất diễn ra thời gian qua là Hoa hậu Áo dài phu nhân toàn châu Âu năm 2022. Lọt vào vòng chung kết tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thành phố Dresden, bang Sachsen (Liên bang Đức) là 23 phu nhân được xếp vào hai nhóm tuổi từ 35-50 và trên 50 tuổi đến từ các nước châu Âu như: Đức, Séc, Áo, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Slovakia...
Các thí sinh phải trải qua các phần trình diễn áo dài, trang phục dạ hội và phần thi ứng xử để chọn ra người xuất sắc nhất. Danh hiệu Hoa Hậu nhóm phu nhân 35 – 50 tuổi thuộc về phu nhân Nguyễn Thị Hồng Ngọc đến từ CHLB Đức, trong khi đó, Hoa hậu nhóm phu nhân trên 50 tuổi là phu nhân Nguyễn Thị Kim Thoa, hiện sinh sống và làm việc tại Ba Lan. Điều đặc biệt ở cuộc thi này là Ban tổ chức đã lồng ghép để trao tặng danh hiệu Đại sứ nhân ái cho 5 phu nhân. Đại sứ nhân ái phải là người có đóng góp tích cực về hoạt động xã hội và có chương trình hoạt động nhân ái tự nguyện của mình.
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho biết: “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và châu Âu nói riêng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, ổn định, phát triển và hội nhập sâu ở nước sở tại và luôn gắn bó với quê hương, đất nước. Cuộc thi Hoa hậu Áo dài phu nhân là một trong những hoạt động quan trọng nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với cộng đồng người Việt ở châu Âu”.
Nhu cầu áo dài của người Việt ở nước ngoài khá lớn nên ngoài những dịch vụ cung cấp từ trong nước, còn có các cửa hàng chuyên kinh doanh, may đo áo dài ở những nước có đông người Việt sinh sống như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại Hàn Quốc, trong những dịp lễ tết, hình ảnh chiếc áo dài Việt sóng đôi với bộ Hanbok (áo truyền thống của Hàn Quốc) là hình ảnh quen thuộc với nhiều người. Cộng đồng người Việt tại đây còn thành lập Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam tại Hàn Quốc. Tại Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt xa xứ lớn nhất trên thế giới, không chỉ có một vài cửa hàng mà có cả ngành kinh doanh áo dài.
Cửa hàng MV Mall ở San Jose (California, Mỹ) là một trong số đó. MV Mall chủ yếu kinh doanh áo dài may sẵn, với nhiều chủng loại khác nhau với giá hết sức bình dân, là điểm đến quen thuộc của cộng đồng người Việt ở bang California. Ngoài ra, còn phải kể đến các thương hiệu áo dài nổi tiếng khác như: Huỳnh Nguyễn, Hương Nguyễn, Kim Ngọc… Chị Nguyễn Hương Thảo, một người Việt sinh sống ở San Jose chia sẻ: “Cứ dịp gần Tết là bà con rủ nhau đi mua sắm. Hầu như gia đình nào cũng mua áo dài để mặc Tết, tham gia các sự kiện của cộng đồng. Trẻ em gốc Việt cũng mặc áo dài vì bây giờ mua một chiếc áo dài rất thuận tiện và giá cả phải chăng”.
Tự hào là người Việt Nam
Khi bắt đầu du học tại đất nước Australia, bạn trẻ Phương Chi khá nhiều bỡ ngỡ. Cuộc sống mới với nhiều điều mới lạ chờ đón Chi nhưng cùng với đó là một cuộc sống tự lập xa nhà, tự nấu ăn, tự tính toán chi phí sinh hoạt. Chi đã gặp gỡ được những người bạn ở Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia và trở thành thành viên, tham gia vào các hoạt động của Hội. Nơi đó, đã mang cho Phương Chi cảm giác ấm áp, gần gũi như khi ở nhà. Các hoạt động văn hóa như lễ hội, Hội sinh viên Việt Nam đã giới thiệu những nét đặc trưng của người Việt cho bạn bè nước ngoài. Và trong những sự kiện ấy, áo dài luôn là một “đặc sản” không thể thiếu.
Ở một đất nước xa lạ, nhưng khi cùng bạn bè “diện” chiếc áo dài, Phương Chi cảm thấy tự tin hẳn, cảm thấy như ở nhà và hãnh diện với bạn bè quốc tế. Phương Chi chia sẻ: “Ở nước ngoài có ngày hội văn hóa. Trong ngày đó thì mọi người mặc đồ truyền thống, làm món ăn truyền thống để bạn bè quốc tế nếm thử, hiểu được văn hóa của nhau và để giao thoa, kết bạn với nhau tốt hơn. Do đó, để tạo ra một không khí Việt Nam nhất thì không thể thiếu chiếc áo dài… Dù đi đâu, người Việt cũng không quên được những nét văn hóa truyền thống của đất nước mình”.
Những thế hệ khác nhau của người Việt đang tiếp tục hành trình đi ra thế giới. Và với thế hệ trẻ như Phương Chi, chiếc áo dài vẫn là một mảnh hồn dân tộc. Điều đó là sự bảo đảm cho sự trường tồn của vẻ đẹp chiếc áo dài nơi viễn xứ. Cho dù sống ở đâu, họ luôn tự hào mình là người Việt, tự hào vì những truyền thống văn hóa lâu đời. Vì thế, ở nước ngoài, trang phục áo dài truyền thống luôn được lựa chọn để bạn bè quốc tế khi nhìn vào đều thấy một nét đẹp văn hóa, một tâm hồn người Việt luôn hướng về quê hương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-vinh-ao-dai-5700357.html