Tôn vinh chữ quốc ngữ qua nghệ thuật thư pháp

Rèn luyện thư pháp có thể coi là một hình thức để rèn nhân cách. Thư pháp - với nghĩa là phép viết chữ đẹp và mẫu mực. Từ loại hình nghệ thuật truyền thống này, cha ông đã kế thừa và sáng tạo ra phân môn thư pháp chữ Quốc ngữ (còn được gọi là thư pháp chữ Việt), với sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây khi sử dụng bút lông, mực tàu của thư pháp Hán cùng chữ la-tinh. Dù ra đời muộn, nhưng thư pháp chữ Việt đang được nhiều người quan tâm và đón nhận.

Thêm yêu chữ Việt

Anh Hồng Phú (“ông đồ” tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, môn thư pháp có từ lâu đời, ảnh hưởng bởi thư pháp của văn hóa Trung Hoa từ ngàn năm trước. Ông cha với lòng yêu nước, tự hào dân tộc đã sáng tạo ra chữ Hán Nôm. Thời gian sau, nước ta sử dụng bộ chữ cái la-tinh để viết tiếng Việt. Giai đoạn 1950-1960, xuất hiện nhóm dùng bút lông để viết chữ thư pháp tiếng Việt. Một trong những người được giới thư pháp chấp nhận là “ông tổ” là thi sĩ Đông Hồ (tên thật Lâm Tấn Phác). Lặng đi một thời gian, đến năm 2000, phong trào viết chữ thư pháp mới trỗi dậy mạnh mẽ đến hôm nay.

Theo đuổi viết thư pháp có những đòi hỏi nhất định, từ năng khiếu, sự kiên nhẫn, rèn luyện không ngừng lẫn tính sáng tạo. Vì vậy, số người viết thư pháp chuyên nghiệp trong tỉnh rất khiêm tốn. Tuy nhiên, các bạn trẻ theo học và phát triển bộ môn này rất đông. Thư pháp chữ Việt đang được nhiều người đón nhận, bởi lối viết gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu cùng với mong muốn làm đẹp thêm chữ viết dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Đây không phải là môn “phong trào”, nên ngay từ đầu vào, người dạy có sự gạn lọc theo những điều kiện riêng. Ở lớp học thư pháp của anh Phú có khoảng 10 người và đa dạng đối tượng: Học sinh, sinh viên, viên chức, cán bộ nghỉ hưu… Anh Phú giới hạn 10 tuổi là lứa nhỏ nhất có thể học thư pháp, vì đây là tuổi bắt đầu có nội tâm, yêu lịch sử, văn hóa và có ý thức tìm hiểu. Còn tại TX. Tân Châu, sau thời gian lan tỏa niềm đam mê này cho các bạn trẻ, “ông đồ” Ôn Cung Trường dạy viết chữ chủ yếu cho học sinh. Tại nhà, lớp học tổ chức không quá 9 em, còn ở các trường học, anh dạy hoàn toàn miễn phí.

Thời điểm mới tiếp cận bộ môn này, Cung Trường tham gia vào Hội Thư pháp Việt, chỉ viết chữ quốc ngữ và chưa từng rèn qua chữ Hán. Lựa chọn này xuất phát từ mong muốn đưa chữ thư pháp đến gần với học sinh, sinh viên hơn, thu hút các em tìm hiểu về cái đẹp trong thể hiện chữ Việt. Tinh thần đó đã được đón nhận, khi có nhiều trường học trên địa bàn TX. Tân Châu chọn viết thư pháp là hoạt động ngoại khóa gắn với sự kiện ý nghĩa thu hút học sinh tham gia. Trong đó, có trường học đã duy trì hoạt động này đến 7 năm, nhận được hiệu ứng tích cực.

Gìn giữ giá trị

Theo “ông đồ” Hồng Phú, ngày xưa, việc “cho chữ” và “xin chữ” không có tính thương mại, mà chủ yếu là những cụ già viết chữ tặng cho người trẻ, với mục đích truyền dạy những điều tốt đẹp một cách cô đọng nhất. Ngày nay, viết thư pháp trở thành một nghề, và chữ thư pháp phát triển rất đa dạng về phong cách, mỗi cá nhân là một nét chấm phá riêng. Theo truyền thống, những món đồ được chọn lựa để trưng bày, trang trí trong dịp Tết luôn có giá trị, ý nghĩa đặc biệt, thể hiện mong cầu của gia chủ trong cả năm, treo chữ thư pháp cũng có mục đích đó. Việc “xin chữ” đầu năm trở thành nét đẹp văn hóa được phổ biến từ Bắc vào Nam.

“Ảnh hưởng diễn tiến của đời sống, xã hội, các chữ được xin trong dịp Tết cũng theo đó thay đổi ít nhiều. Nếu trước đây, đa số mọi người chú trọng chữ “Phúc”, “Lộc”, “Tài”... thì sau 2 năm trải qua dịch bệnh, các chữ được xin nhiều nhất là “Bình an”, “An yên”, “Thọ”, “Hạnh phúc”… Mỗi chữ viết được coi như một tâm nguyện để người xin chữ kỳ vọng, trau dồi phẩm chất, phấn đấu cho một năm mới. Việc treo những bức thư pháp có đầy đủ giá trị nghệ thuật trong nhà, vừa làm đẹp không gian, vừa thể hiện tâm tư tình cảm của gia chủ” - anh Hồng Phú chia sẻ.

Khoảng 9 năm nay, Ôn Cung Trường trở thành “ông đồ trẻ” hiếm hoi trong tỉnh và được đánh giá cao về “hoa tay” viết chữ. Từ những ngày đầu xin vào các chùa viết chữ và tặng chữ “gieo duyên”, những lời ngợi khen đã khuyến khích Cung Trường phát triển năng khiếu thành nghề chính. “Ông đồ trẻ” hoạt động tích cực hơn, di chuyển khắp nơi trong tỉnh và có nhiều khách hàng đặt tranh thư pháp với yêu cầu cao. Từ ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo là Cung Trường “bế quan” để chuyên tâm vẽ tranh cho đến Tết.

Gọi là “chữ” nhưng để phục vụ cho những dịp Tết nói riêng, các sự kiện trang trọng nói chung, thư pháp được thể hiện cầu kỳ hơn bằng tranh. Sự kết hợp hài hòa giữa nội hàm câu chữ với các nét vẽ tương ứng làm toát lên ý nghĩa trọn vẹn. Chẳng hạn, trong thời gian 5 phút thể hiện một bài hát, anh Hồng Phú từng vẽ cặp tranh gồm chữ và hoa sen chủ đề về Bác Hồ. Mấy năm trước, Cung Trường tham gia một sự kiện quyên góp quỹ làm khu vui chơi cho trẻ em nghèo, anh cũng hoàn thành một bức tranh thư pháp khi bài hát vừa kết thúc. Tranh được đấu giá 25 triệu đồng, góp phần thực hiện công trình cho trẻ em tại TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang).

Trong thư pháp chữ Việt, mỗi nét đều được người cho chân tâm viết nên, trao tặng người nhận có lòng trân quý nghệ thuật, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Không chỉ hiểu ý nghĩa, cảm nhận cái đẹp trong từng con chữ, luyện thư pháp còn giúp người viết tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại, qua sự đồng điệu từ nét bút đến tâm hồn. Giờ đây, thư pháp chữ Quốc ngữ không chỉ là một thú vui tao nhã, mà trở thành một phân môn nghệ thuật tôn vinh tiếng Việt.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ton-vinh-chu-quoc-ngu-qua-nghe-thuat-thu-phap-a353360.html