Tôn vinh giá trị lịch sử của Chiến thắng Tua Hai
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai, sáng nay, 6/1, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung Ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: 'Chiến thắng Tua Hai - Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ'.
Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có: ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước và các Ủy viên T.Ư Đảng: ông Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam;
Đại diện tỉnh Tây Ninh là ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy.
Cách đây 60 năm, ngày 26/1/1960, Ban Quân sự Liên tỉnh miền đông phối hợp quân và dân Tây Ninh tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai và giành thắng lợi. Kết quả, ta diệt 76 quân địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 quân, thu gần 1.500 khẩu súng các loại; ta hy sinh bảy người. Đây là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, châm ngòi cho cao trào Đồng khởi ở miền Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, 60 năm trước đây, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ, Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ phối hợp quân và dân tỉnh Tây Ninh tổ chức trận tập kích vào căn cứ Tua Hai của quân đội Sài Gòn và giành thắng lợi giòn giã.
Tác động của chiến thắng Tua Hai đã vượt khỏi phạm vi một trận đánh, trở thành “phát pháo lệnh” mở đầu cao trào vũ trang Đồng khởi ở Tây Ninh và cả Nam Bộ, góp phần tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuyển cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công
Hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.
Các tham luận đều chỉ ra: Chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Đồng khởi những năm 1959-1960, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền nam. Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự chủ động, sáng tạo và nhạy bén của Xứ ủy Nam Bộ; mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ, trước hết là miền Đông Nam Bộ; Chiến thắng Tua Hai đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam; tạo tiền đề xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ.
Kết thúc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định, với các ý kiến khách quan, khoa học, hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ trận đánh Tua Hai. Đây là nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc chiến chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
20h cùng ngày, hơn 2.500 đại biểu đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai và dự Chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện lịch sử này tại Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.