Tôn vinh nghề truyền thống ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp

Tối 16/1, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện tổ chức Khai mạc Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống năm 2025 với chủ đề 'Bản sắc bền lâu, khắc sâu giá trị'.

Biểu diễn nghề làm nem truyền thống tại Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung.

Biểu diễn nghề làm nem truyền thống tại Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung.

Ngày hội diễn ra từ ngày 16 - 18/1/2025 với nhiều hoạt động như: tổ chức khu trưng bày, trải nghiệm các làng nghề truyền thống; gặp gỡ trực tiếp, giao lưu với các nghệ nhân; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng và sản phẩm các làng nghề địa phương. Trong khuôn khổ Ngày hội có chương trình Tọa đàm Làng nghề truyền thống Lai Vung “Bản sắc bền lâu, khắc sâu giá trị”.

Ngày hội còn diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Cùng với đó là những hội thi vẽ tranh và triển lãm hình ảnh giới thiệu nghề truyền thống; hội thi trưng bày “Mâm ngũ quả đẹp”; tổ chức giải thưởng “Gian hàng đẹp”, các trò chơi dân gian; giao lưu, hội diễn lân, sư, rồng các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và chương trình nghệ thuật “Tình đất, tình người Lai Vung”.

Nghệ nhân biểu diễn nghề đan lợp tại Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung.

Nghệ nhân biểu diễn nghề đan lợp tại Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung.

Chủ tịch UBND huyện Lai Vung Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Lai Vung là vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt quanh năm với lượng phù sa dồi dào nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt. Quýt hồng và nem là 2 loại đặc sản gắn bó với tình đất, tình người Lai Vung được du khách gần xa biết đến. Trong điều kiện đặc thù vùng quê sông ngòi chằng chịt, người dân thích nghi và sáng tạo làm ra những chiếc xuồng, ghe để vận chuyển hàng hóa; những chiếc lờ, lợp để đánh bắt cá, tôm; những chiếc cần xé để chứa nông sản…

Đến nay, huyện Lai Vung có nhiều làng nghề truyền thống như: nghề làm nem Lai Vung; nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu; trồng hoa giấy; đan lờ, lợp; đan cần xé; đan bội; làm bánh tráng truyền thống… Trong đó, làng nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu và làm nem Lai Vung đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và khoa học công nghệ đã làm ảnh hưởng đến nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nhưng vẫn có nghề tồn tại và phát triển, điển hình là nghề làm nem Lai Vung. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ làm nem, đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng, thu hút trên 300 lao động tham gia, sản xuất hàng trăm nghìn chiếc mỗi ngày. Hiện, thị trường tiêu thụ nem Lai Vung rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm.

Nghề đóng xuồng, ghe ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Nghề đóng xuồng, ghe ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Ngày hội nhằm ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi, những bàn tay tài hoa chăm chỉ, miệt mài của người dân Lai Vung hiền hòa nhân hậu. Qua đây, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương Lai Vung nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để kết nối, chuyển đổi tư duy, phát huy giá trị kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đưa các sản phẩm làng nghề, các loại đặc sản Lai Vung và các sản phẩm OCOP ngày càng phát triển.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/ton-vinhnghe-truyen-thongohuyen-lai-vung-dong-thap-20250116213056066.htm