Tôn vinh nhân vật lịch sử qua các lễ hội
Trình diễn võ thuật tại lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh. Ảnh: THIÊN LÝ
Khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người dân Phú Yên đã tổ chức lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh công trạng to lớn của các nhân vật lịch sử của địa phương như: Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương... Việc thờ cúng các danh nhân lịch sử được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là sự ghi nhận của các thế hệ đối với cha ông - những người đã có công khai thác, bảo vệ giang sơn.
Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh, Đền thờ Lê Thành Phương là hai trong số ít lễ hội tiêu biểu được tổ chức đầy đủ các phần lễ và phần hội trong hơn 40 lễ hội của các dân tộc Phú Yên được tổ chức hàng năm.
Gìn giữ bản sắc văn hóa
Nói đến vùng đất Phú Yên, người ta nghĩ ngay đến người có công từ thời khai mở cách đây hơn 400 năm, đó là Lương Văn Chánh - một nhân vật lịch sử, văn hóa. Từ thế kỷ XVII, vùng đất Phú Yên hoang hóa đã được Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh cùng hơn 3.000 lưu dân Thanh - Nghệ khẩn hoang, lập làng, dân cư dần ổn định từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Ông được người dân địa phương suy tôn là Thành hoàng và lập đền thờ ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với vùng đất Phú Yên tại thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa.
Hàng năm, người dân Phú Yên dâng hương tưởng niệm vào ngày mất của ông, trước là ngày 19/9 âm lịch, sau này (từ năm 2009) thì tổ chức vào ngày mùng 6/2 âm lịch, ngày Lương Văn Chánh nhận sắc phong của Nguyễn Hoàng vào phía Nam khai khẩn đất đai. Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh được tiến hành công phu, đúng trình tự và trang nghiêm. Trong phần lễ, trước ngày tề tựu dâng hương tại đền, dòng họ, xóm làng đã tổ chức rước sắc, tế cáo yết và rước linh vị từ mộ về đền thờ.
Ông Lương Công Trình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Hàng năm, lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh thu hút trên 10.000 lượt du khách về tham gia lễ hội và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ rằng lễ hội đã có sức lan tỏa và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách khi về tham gia lễ hội. Từ năm 2017, lễ hội được tổ chức quy mô lớn, thời gian tổ chức từ 4-5 ngày, với rất nhiều hoạt động diễn ra”.
Tại huyện Tuy An, lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương được tổ chức từ ngày 27-28 tháng Giêng hàng năm tại di tích cùng tên thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Đây là một trong những lễ hội thu hút đông người nhất ở Phú Yên. Từ chiều ngày hôm trước đã diễn ra nghi thức cúng giỗ với lễ rước sắc, rước linh vị từ mộ và đền thờ với sự tham gia của họ tộc Lê, ban tổ chức, đại diện Sở VH-TT-DL, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương... Tất cả những nghi lễ ấy tạo nên nét trang nghiêm, thành kính. Sau khi phần lễ kết thúc, những trò chơi dân gian như bài chòi, cờ tướng, cờ người, kéo co, nhảy dây, nhảy thụng... diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nâng cao chất lượng lễ hội
Theo Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa Lương Công Trình, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội. Cụ thể, ban tổ chức còn nghiêng về phần hội, phần lễ ít được chú trọng, từ đó đã làm giảm tính linh thiêng, trang trọng của các nghi lễ truyền thống. Một số trò chơi dân gian đặc sắc còn chưa được khai thác để tổ chức tại lễ hội. Việc tổ chức lễ hội chưa kết hợp được với các hoạt động thương mại - du lịch. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nội quy, quy chế lễ hội, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường chưa thường xuyên...
Nhằm phát triển và nâng cao chất lượng lễ hội, UBND huyện Phú Hòa tiếp tục thực hiện các giải pháp: tổ chức tuyên truyền quảng bá lễ hội; đổi mới nội dung và cách thức tổ chức; gắn lễ hội với du lịch và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; nâng cao ý thức, tinh thần phục vụ của ban tổ chức, các lực lượng tham gia lễ hội và người dân xung quanh. Đồng thời nghiên cứu tạo nhiều sản phẩm truyền thống mang tính đặc trưng của huyện để phục vụ du khách làm quà lưu niệm như: nâng cao chất lượng và mẫu mã các sản phẩm của làng nghề bánh tráng Đông Bình, các sản phẩm được chế biến từ khóm Đồng Din và các sản phẩm đặc trưng khác...
Tương tự, huyện Tuy An cũng đề ra một số giải pháp nâng cao chất lượng lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương như: nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, đổi mới chương trình, kịch bản lễ hội... “Thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp này không chỉ của riêng ngành Văn hóa mà cần có sự phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Do vậy, việc này cần phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài, vì tính bền vững của lễ hội phải gắn với phong trào hành động của quần chúng”, ông Phan Quang Phi, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy An bày tỏ.
Để công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, ngành Văn hóa và các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giới thiệu về nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa, giá trị của lễ hội; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ lễ hội; làm tốt công tác quy hoạch các khu vực tổ chức lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội ở các địa phương...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/233863/ton-vinh-nhan-vat-lich-su-qua-cac-le-hoi.html