Tôn vinh thế giới dành cho tất cả mọi người
Cuộc thi thiết kế thường niên Accessibility Design Competition (ADC) đã quay trở lại với chủ đề 'Một thế giới dành cho tất cả mọi người', khích lệ những ý tưởng sáng tạo nhằm thúc đẩy sự hòa nhập cho người khuyết tật tại nơi làm việc.
Được tổ chức bởi phòng Hướng nghiệp, Cựu sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, phối hợp với phòng Chăm sóc sức khỏe của Đại học RMIT, cuộc thi dành cho sinh viên này sẽ kéo dài hai tháng với nhiều hoạt động đa dạng. Người tham gia có cơ hội nâng cao kỹ năng và kiến thức thông qua các lớp huấn luyện, hội thảo chuyên sâu cũng như những buổi cố vấn và kết nối.
Năm nay, mỗi đội bao gồm ba sinh viên đến từ cùng một trường đại học hoặc các trường khác nhau. Mỗi nhóm đều được nhận sự hỗ trợ từ ít nhất một đối tác doanh nghiệp.
Các nhóm có nhiệm vụ đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy môi trường hòa nhập cho người khuyết tật, hoặc hỗ trợ người khuyết tật cải thiện kỹ năng làm việc.
Sinh viên được tiếp thu kiến thức và kỹ năng để phát triển các giải pháp tiếp cận đa dạng dành cho người khuyết tật và đạt thành công trong cuộc thi.
Trong lễ khai mạc cuộc thi, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) đã nêu lên tầm quan trọng của việc giải quyết các nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và sự cần thiết phải có những hỗ trợ về chính sách và công nghệ để tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Chủ tịch Ủy ban Nhân sự, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, thành viên ban giám khảo ADC - ông Colin Blackwell, nhấn mạnh rằng trí thông minh nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng, đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc theo kịp sự phát triển của công nghệ này.
Ông cho biết trước đây, các công ty có dư dả thời gian để cân nhắc những sáng kiến tạo tác động cho xã hội, nhưng điều đó không còn đúng nữa.
“Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên trông đợi nhiều hơn vào những cuộc thi như thế này. Chúng ta cần ý tưởng mới và tôi mong muốn được thấy những phát kiến tuyệt vời xuất hiện từ cuộc thi này”.
Đội thi nào có sáng kiến liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và lọt vào vòng hai sẽ có cơ hội tham gia cuộc thi Microsoft ASEAN AI4A Hackathon. Đây là cuộc thi được Microsoft tổ chức hằng năm dành cho các đội thi khu vực Đông Nam Á sử dụng công nghệ AI để xây dựng các giải pháp nhằm xử lý những vấn đề thực tế, hướng đến xã hội dễ tiếp cận và toàn diện hơn.
Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc phụ trách các Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft, chia sẻ: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Đông Nam Á có gần 90 triệu người khuyết tật. Tại Microsoft, chúng tôi tin rằng công nghệ, đặc biệt là AI, đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ người khuyết tật tham gia tích cực vào các khía cạnh khác nhau của cuộc sống”.
“Và hôm nay, tôi rất tự hào được chứng kiến các bạn trẻ đang từng bước chinh phục những thách thức hằng ngày của người khuyết tật thông qua các cuộc thi như ADC của RMIT và ASEAN AI4A Hackathon của Microsoft. Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các bạn trẻ phát triển kỹ năng AI và khai thác tiềm năng tuyệt vời của AI để tạo ra những giải pháp hữu ích cho cộng đồng người khuyết tật, góp phần xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn”.
Tất cả 24 đội vượt qua vòng một sẽ được vào thẳng vòng hai chương trình Dream Internship 2024 của P&G.
Phạm Khánh Phương, thành viên của đội ATP từ RMIT Việt Nam và là đội thắng cuộc ADC năm 2023, cho biết: “Tham gia ADC đã mang lại cho tôi sự tự tin, cơ hội hợp tác với những cá nhân tài năng, làm sâu sắc thêm hiểu biết của tôi về những người có nhu cầu đặc biệt và giúp tạo ra những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày của họ”.
"Điều khiến tôi nỗ lực làm việc hơn mỗi ngày chính là kiến thức tôi có thể học hỏi và được truyền cảm hứng từ họ”.
Phó Giáo sư Seng Kiat Kok, Giám đốc phụ trách sinh viên RMIT Việt Nam cho biết ADC đã thu hoạch được những sáng kiến và kết quả đáng chú ý trong vài năm qua.
“Cam kết hành động của Đại học RMIT tại Việt Nam là trở thành một tổ chức giáo dục hướng đến cộng đồng nhiều hơn, không chỉ thúc đẩy học tập, giảng dạy và nghiên cứu mà quan trọng là sự chung tay tham gia và tạo tác động đối với các bên liên quan. ADC là nơi ươm mầm các ý tưởng, mang đến sự đổi mới nhằm hỗ trợ tính bao hàm và khả năng tiếp cận, đồng thời mang lại ảnh hưởng thực sự cho cộng đồng mà chúng tôi phục vụ”.
Năm nay, ADC là một phần của Tuần lễ Sáng tạo và Đổi mới quốc tế, một cộng đồng toàn cầu tôn vinh mọi hình thức sáng tạo.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ton-vinh-the-gioi-danh-cho-tat-ca-moi-nguoi-post1635177.tpo