Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ 'Cội nguồn và Khát vọng'

Chương trình vừa diễn ra tại Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh Thanh Thủy Phú Thọ đã thu hút nhiều người tham gia

Xem thông tin trên các báo: từ ngày 15 đến 17.11 tại Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh Thanh Thủy Phú Thọ sẽ diễn ra chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ “Cội nguồn và Khát vọng”. Sự tò mò thôi thúc chúng tôi nên cả nhà quyết định dành 2 ngày cuối tuần tham gia lễ hội và chúng tôi đã có 2 ngày cuối tuần vô cùng ý nghĩa.

Cảm xúc không chỉ về một không gian nghỉ dưỡng thật yên lành, mà còn là những trải nghiệm và hiểu biết về những giá trị văn hóa sâu sắc cha ông đã gìn giữ. Chẳng xô bồ, sôi động như bao lễ hội khác, ở đây là sự tinh tế và đậm đà của bản sắc.

Vấn đề cốt lõi ở chương trình mang tính văn hóa du lịch này là từ khởi nguồn của “nguyên lý Mẹ”, gắn liền với Bà Mẹ Thiên Nhiên cao cả (hiện thân với Bà Mẹ Đất Trời, Bà Mẹ Lúa...,) là Bà Mẹ của Quốc Gia Dân tộc: Quốc Mẫu Âu Cơ. Khát vọng độc lập, bản lĩnh quốc gia và bản sắc dân tộc đã được Mẹ khơi gợi, kết nối thành nỗi niềm thiêng liêng cao cả của mỗi một con dân đất Việt. Mẹ đã dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, dệt vải... để từng bước kiến thiết nên nền văn hiến Việt Nam.

Không gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu ấm áp, tràn ngập sự tri ân. Xem những giới thiệu và trình diễn ngắn gọn, tôi hiểu sâu sắc hơn nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, hiểu hơn vì sao từ thủa lập nước cho đến tận bây giờ, tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt Mẫu Âu Cơ, đã mang lại cho người dân sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, nó cũng góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Xem góc trưng bày những công cụ thô sơ sản xuất lúa nước, các con của tôi rất thích thú vì lần đầu tiên con biết nghề trồng lúa ở nước ta có từ thời Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, các Lạc dân cấy lúa trên ruộng Lạc điền để làm ra hạt gạo nuôi sống con người. Dựa vào đồng ruộng họ định cư thành “làng”; nhiều “làng” thống nhất lại thành “nước”. Nước Văn Lang ra đời, cư dân Văn Lang được quy tụ lại dưới sự thống lĩnh của các Vua Hùng.

Những người thợ thủ công tóc bạc trắng của làng Cao Bạt, Nam Cao, Thái Bình giới thiệu quy trình sản xuất đũi dung dị như công việc ngày thường bao đời nay của họ, người phụ nữ Mường, Thanh Sơn, thong thả bên khung cửi dệt vải, em thợ thêu trẻ của làng thêu Đông Cứu Thường Tín tỉ mẩn từng mũi kim hay cô gái xinh xắn ngồi gói oản gia truyền nhiều đời của Oản Đường Bà Cụ 82 Đồng Xuân… khung cảnh ấy, gợi mở vô vàn ký ức tự hào của di sản văn hóa.

Cách đó không xa, những thanh âm ngọt ngào của câu Hát Xoan, chèo cổ, ca trù, tiếng trống, tiếng chiêng, của những nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân và ca nương của các phường, xã trong liên hoan âm sắc nguồn cội…không khí hội làng còn rộn rã hơn ở một khoảng sân với các trò chơi, trò diễn dân gian, các con tôi cực hưng phấn xem các anh trai, những đô vật Tiên Hạc của làng Đồng Bảng, Ba Vì, quê hương danh tướng nhà Trần Phùng Lân Hổ, hùng dũng, nghệ thuật và đầy sức mạnh.

Cùng với khu trò chơi, là không gain trưng bày hàng nông sản và sản vật làng nghề Phú Thọ. Đến đây để thấy sản phẩm của rừng cọ đồi chè, xanh mướt bưởi cam, đậm đà hương vị tương làng Bợ, những sản phẩm từ thịt, chế biến từ hạt gạo và rau củ quả, những vị ngon từ dòng sông Đà… tiếng hát Xẩm gốc đa già gợi nhớ làng quê.

Buổi chiều là không gian văn hóa dân gian đường phố. Lần đầu tiên, người dân Thanh Thủy, và ngay cả chúng tôi, những du khách trải nghiệm, không phải là đường phố rực rở cờ hoa, áo quần trang sức lụa là, ca nhạc ầm ỉ … mà là những gợi nhớ về một thủa hồng hoang dựng nước và những khát vọng ấm no hạnh phúc. Đa phần là những nghệ sĩ không chuyên, áo quần nông dân bạc màu, tái hiện những nghề nghiệp mẹ Âu Cơ và các mẫu dạy dân vì cuộc sống.

Cảm xúc nhất là các lễ rước và trò diễn của những người dân Phú Thọ. Đất Tổ với biết bao lễ hội nông nghiệp xưa còn gìn giữ, nhiều nghi thức, tục lệ gắn với nghề nông. Lễ rước Voi Đào Xá, Thanh Thủy và đốt lửa nấu cơm thi; lễ thức trình nghề như trò Tứ dân chi nghiệp, thường được tổ chức vào mùa xuân, cầu phúc, cầu may cho nghề nghiệp. Lễ rước “lúa thần” trong lễ hội Trò Trám làng Tứ Xã Lâm Thao.

“Lúa thần” là một cụm lúa giống hạt mập căng có đoàn người đi rước với các vai người vác cày, người dệt vải, thợ mộc, thầy đồ, học trò, người đi buôn… vừa đi vừa làm các động tác nghề nghiệp hát những câu hát về nghề và làm các động tác để gây cười.

Múa Chuông của đồng bào dân tộc Dao, chiêng của dân tộc Mường, Vật võ tạo hình Tiên Hạc của dân tộc Kinh, Hát Xoan di sản phi vật thể của nhân loại… Tất cả là những cảm xúc ngọt ngào, ý vị… Mọi người hưng phấn, không ai còn mang cảm giác chờ đợi những màn diễn cầu kỳ ở các lễ hội thời thượng. Bởi cảm xúc văn hóa đậm đà đã thấm đẫm trong mỗi người.

Từ việc khơi gợi và kết nối lòng người, nhà tổ chức đã thành công khi đưa các hoạt động văn hóa du lịch kích thích lòng tự hào, truyền thống văn hóa dân tộc từ mỗi một người dân, làng xóm và cộng đồng để cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống theo hướng thích ứng phù hợp với đời sống xã hội hiện đại. Đây quả là một không gian văn hóa du lịch mang tính đặc trưng của miền đất tổ Phú Thọ.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ton-vinh-tin-nguong-tho-mau-va-hoi-lang-viet-co-coi-nguon-va-khat-vong-d150589.html