Tôn vinh văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam qua lăng kính của nhiếp ảnh gia Pháp
Jessica Stewart là nhà văn và chuyên gia truyền thông kỹ thuật số của trang My Modern Met đã có bài viết đánh giá cao về tác phẩm nghệ thuật về cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam qua những bức ảnh sống động của nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn, được lưu giữ tại bảo tàng Bảo tàng Nghệ thuật Di sản Vô giá - Precious Heritage Art Gallery Museum ở phố cổ Hội An (Việt Nam).
Trong nhiều năm, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn vẫn gọi Việt Nam là quê hương. Và trong 7 năm qua, ông đã làm việc chăm chỉ để góp phần bảo tồn di sản các dân tộc đa dạng của Việt Nam. Đối với dự án Bảo tàng Nghệ thuật Di sản Vô giá - Precious Heritage Art Gallery Museum, ông Réhahn đã thực hiện sứ mệnh chụp ảnh gần hết 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chia sẻ vẻ đẹp di sản phong phú của đất nước.
Ông Réhahni đã chụp 51 trong số 54 dân tộc thiểu số Việt Nam. Bằng cách thu thập trang phục truyền thống và các hiện vật khác từ cộng đồng các dân tộc thiểu số, cũng như ghi lại những câu chuyện trong chuyến thăm, ông Réhahn đang giúp bảo tồn nền văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Năm 2017, ông Réhahn đã mở Bảo tàng Nghệ thuật Di sản Vô giá - Precious Heritage Art Gallery Museum, một không gian miễn phí ở phố cổ Hội An, nơi công chúng có thể thưởng thức những bức ảnh và trang phục cũng như tìm hiểu thêm về nét đặc trưng dân tộc Việt Nam.
Văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam được lưu giữ trong bảo tàng
Trong một cuộc phỏng vấn trên My Modern Met, nhiếp ảnh gia Réhahn cho biết mặc dù tôi không phải là nhà dân tộc học nhưng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người và văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.
"Khi chuyển đến Việt Nam, điểm đến đầu tiên tôi ghé qua là Sapa. Những bức ảnh tôi chụp đầu tiên đến đây không phải là phong cảnh mà là cuộc sống và con người sinh sống lâu đời ở đây. Những bức ảnh về người Dao Đỏ và H'Mông đều được lưu lại trong máy ảnh", ông Rehahn nói.
Theo Rehahn, tôi bắt đầu loạt ảnh chân dung về người dân tộc thiểu số và từng bước sưu tầm trang phục và hiện vật truyền thống. Sau đó, phải mất vài năm mới hình thành được ý tưởng cho Bảo tàng Nghệ thuật Di sản Quý giá.
Ông Rehahn cho biết ban đầu ông ngạc nhiên nhưng sau đó là cảm động trước nghi lễ của dân tộc M'nông - 1 trong 12 dân tộc tại chỗ, sinh sống lâu đời ở khu vực Tây Nguyên.
Người M'nông có mối liên hệ đặc biệt với voi và xem loài vật này như một thành viên trong gia đình. Đặc biệt, lễ cúng sức khỏe cho Voi của người M'nông thường được diễn ra vào đầu năm để cầu mong cho voi luôn khỏe mạnh, giúp đỡ gia chủ và nhắc nhở mọi người yêu quý, chăm sóc, bảo vệ voi.
Ông Rehahn đặc biệt ấn tượng với lễ hội cúng sức khỏe cho voi: "Người dân làng tắm rửa cho voi và chuẩn bị các vật phẩm: Rượu cần, bánh nếp, hai tấm vải thổ cẩm, gạo, nến, sáp ong, chỉ sợi, vòng tay bằng đồng, một bát cơm, một quả trứng, một đĩa thịt có cả gan, lòng, một lá trầu có quét vôi…tất cả được bày vào cái nia. Voi đưa đến gần thầy cúng và được đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc voi luôn mạnh khỏe. Voi sau đó đứng trước ngôi nhà sàn truyền thống của người M'nông để người dân bộ tộc bên trong đánh cồng chào đón và chúc sức khỏe.
Lễ cúng sức khỏe cho Voi cũng được coi là tục lệ nhỏ mang tính chất gia đình, ấm cúng, cũng có tấu cồng chiêng, ca múa. Ngoài gia đình chủ voi, người thuần dưỡng voi, lễ này còn thu hút rất đông người dân trong buôn đến mừng voi với chủ nhà.
Ấn tượng với trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số
Tiếp tục chia sẻ, ông Rehahn cho biết năm 2012, tôi mua bộ trang phục đầu tiên của người Dao Đỏ. Trang phục của người Dao Đỏ là một trong những bộ trang phục nổi tiếng nhất trên thế giới và tôi nhận thấy trang phục rất đẹp nếu được đặt trong một phòng trưng bày.
Vào thời điểm đó, tôi chưa có phòng trưng bày nhưng cảm hứng từ những bộ trang phục đẹp của người Dao Đỏ đã khơi dậy trí tưởng tượng của tôi. Sau đó tôi gặp người Cơ Tu và họ cũng tặng tôi một bộ trang phục. Vậy là tôi được tặng 2 bộ trang phục.
"Ý tưởng thành lập một bảo tàng, nơi trưng bày những bức ảnh, trang phục và hiện vật của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam bắt đầu xuất hiện trong tâm trí. Tôi quyết tâm làm theo ý tưởng để xem mình có thể đi được bao xa, ông Rehahn chia sẻ.
Trang phục và hiện vật là một phần thiết yếu trong bảo tàng của tôi để lưu giữ giá trị hữu hình và giới thiệu với thế giới về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tất cả được làm thủ công bằng chính đôi tay của họ—điều này thực sự tôn vinh di sản độc đáo của dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, người dân tộc Cơ Tu cũng đặc biệt để lại ấn tượng mạnh trong tâm trí của nhiếp ảnh gia người Pháp.
"Tôi đặc biệt cảm thấy gắn bó với dân tộc Cơ Tu. Tôi sống ở miền trung Việt Nam ở Hội An và người Cơ Tu sống gần đó nên tôi có thể thường xuyên đến thăm họ. Cộng đồng dân tộc thiểu số này vẫn duy trì nền văn hóa rất mạnh mẽ và bản thân họ đang cố gắng bảo tồn di sản của mình. Khi hoàn thành việc xây dựng một bảo tàng lưu giữ tất cả những gì liên quan đến cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, chính là cách để bảo vệ các hiện vật, trang phục, âm nhạc và chân dung của họ", ông Rehahn nói.
"Mỗi ngôi làng tôi đến, người dân tộc ở đây đều chào đón niềm nở. Họ háo hức chia sẻ văn hóa và giới thiệu về cuộc sống của họ. Khi họ nhìn thấy chân dung trong những bức ảnh mà tôi chụp, họ đã cười và cảm động – đó là trải nghiệm đặc biệt", ông Rehahn chia sẻ.
"Tôi muốn tôn vinh vẻ đẹp của người dân tộc thiểu số để thể hiện sức mạnh, sự khác biệt, niềm tự hào của họ. Qua những chuyến đi tôi cũng biết rằng Việt Nam đang trong quá trình thay đổi và phát triển nhanh chóng. Tôi tin rằng việc tạo nên kỷ lục cho Việt Nam lúc này là rất quan trọng. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi trong lịch sử tìm thấy một quốc gia cởi mở với thế giới nhưng vẫn chứa đựng sự đa dạng đáng kinh ngạc và địa hình hoang sơ", ông Rehahn nói thêm.
Và ông Rehahn bày tỏ niềm tự hào về bảo tàng của ông có diện tích 500 m2 ở Phố cổ Hội An, chứa hàng trăm hiện vật tiêu biểu cho văn hóa của các dân tộc. Mỗi bộ trang phục đều kèm theo một bức chân dung và một đoạn văn ngắn kể về trải nghiệm gặp gỡ người dân tộc.
Giờ đây, Bảo tàng mở cửa là cơ hội để truyền bá thông tin đến nhiều người trong nước cũng như trên thế giới để hiểu được nhiều hơn về bản sắc văn hóa đa dạng của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam./.