Tôn vinh vẻ đẹp trường tồn
Từ bao đời nay áo dài luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt. Thế nhưng cho đến nay chiếc áo dài vẫn chưa được chọn là quốc phục hay một danh hiệu xứng tầm…
Dựa trên những tài liệu, thông tin của những nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử, khoảng 3.000 năm trước, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà thướt tha, mềm mại, mỏng manh như cánh bướm bay trong gió đã xuất hiện trên những cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, trên thạp đồng Đào Thịnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, chiếc áo dài đã ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, xưng Vũ Vương (1739-1765) ở thế kỷ XVIII. Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại.
Đến thế kỷ 18, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1744) đã ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành. Có thể nói, sắc dụ của Vũ Vương ban hành thực sự là một cuộc cải cách lớn về y phục Đàng Trong. Đây cũng là tiền đề để chiếc áo dài được phổ biến rộng rãi. Áo dài trở thành y phục của mọi lớp người trong xã hội, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân nam nữ…
Đầu thế kỷ 20, người phụ nữ Việt vẫn còn chịu những khắt khe của xã hội phong kiến nên trang phục không tôn dáng. Tuy nhiên, thập niên 1930-1940 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam khi khái niệm “áo dài tân thời” ra đời. Kể từ đây, hình dáng áo dài tiếp tục thay đổi từ áo ôm eo, rồi áo cổ thuyền; áo chít eo và tôn ngực; tới áo tà rộng, vạt dài tới gót, với nhiều dạng cổ khác nhau, bằng nhiều chất liệu…
Cho đến nay, khi nói về trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, hầu hết mọi người sẽ khẳng định, đó là áo dài. Với người phụ nữ ở miền Bắc - Trung - Nam thì áo dài luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong những sự kiện trọng đại của cuộc đời, của gia đình và đất nước. Không chỉ áo dài nữ mà với áo dài nam cũng vẫn hiện hữu. Hiện nay, áo dài nam vẫn xuất hiện trong các sự kiện quan trọng như các hoạt động nghệ thuật hay các sinh hoạt tín ngưỡng, điều này chứng tỏ dấu ấn quan trọng mà chiếc áo dài nam để lại trong lịch sử trang phục nước ta. Thế nhưng với những giá trị đặc biệt đó đến nay chiếc áo dài vẫn chưa được chọn là quốc phục hay một danh hiệu xứng tầm.
Nhìn nhận về sự “chậm trễ” này, họa sĩ Vi Kiến Thành, trưởng Cục Điện ảnh, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: Năm 1990 đề án quốc phục nhằm tìm ra bộ trang phục sử dụng phổ biến trong công chức nhà nước đã được khởi động. Các năm 2013, 2014, đề án quốc phục chuyển thành đề án lễ phục nhà nước, nghĩa là xây dựng bộ trang phục sử dụng trong các nghi lễ nhà nước và ngoại giao. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn dở dang. Nguyên nhân là do không tạo được sự đồng thuận trong xã hội cũng như mọi tầng lớp nhân dân về lễ phục của nam giới.
Qua các hội thảo, tọa đàm, thảo luận trên toàn quốc, mọi ý kiến đều đi đến thống nhất áo dài nữ là lễ phục Việt Nam nhưng bộ lễ phục của nam thì không thống nhất được. Bên cạnh đó, cái khó còn thuộc về nhà thiết kế. Các nhà thiết kế thời trang được đặt ra yêu cầu thiết kế bộ mẫu để phổ biến. Mà ở đây thì không phải sáng tạo đột biến hay bộ mới hoàn toàn mà kế thừa trong dòng chảy lịch sử trang phục. Các nhà thiết kế bị lấn cấn, ai sẽ thành tác giả bộ lễ phục? Ai cũng muốn được ghi danh là tác giả lễ phục, đó cũng là một khó khăn.
Cũng theo ông Thành bày tỏ ở đây còn là vấn đề pháp lý. Cấp nào có thẩm quyền công nhận, phê duyệt chính thức bằng văn bản hành chính? Chúng ta không có ai được phân trách nhiệm này, kể cả quốc hoa và các biểu tượng văn hóa.
“Khi hội nhập quốc tế, vấn đề công nhận các biểu tượng văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia là cần thiết. Nhưng ai được ký, chúng ta chưa có quy định này?”- họa sĩ Vi Kiến Thành băn khoăn.
Mặc dù hành trình trở thành “quốc phục” còn đó nhưng mới đây Bộ VHTTDL cũng đã có một động thái tích cực khi bắt đầu tiến hành thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước mắt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ VHTTDL, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế Áo dài Việt Nam. Các tác phẩm trang phục Áo dài dự thi dành cho phụ nữ và trẻ em gái thuộc mọi lứa tuổi, vừa mang tính hiện đại, vừa thể hiện được bản sắc, nét đẹp truyền thống của Áo dài Việt Nam; các kiểu dáng phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Chất liệu vải, mẫu thiết kế do nhà thiết kế tùy ý lựa chọn, ưu tiên các tác phẩm thể hiện các nét đặc trưng, giá trị văn hóa của Việt Nam (các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di sản của Việt Nam, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên- Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ sẽ diễn ra sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” với các hoạt động như hội thảo, triển lãm, diễu hành, biểu diễn nghệ thuật, vận động thiết kế áo dài, các hoạt động truyền thông, tặng áo dài cho phụ nữ khó khăn...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/ton-vinh-ve-dep-truong-ton-tintuc462969