Tổng Bí thư: Cần chính sách có tính đột phá cho vùng Đồng bằng Sông Hồng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách có tính đột phá cao cho phát triển Vùng.
Ngày 29/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Vùng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen với việc phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Tổng Bí thư cho biết qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khóa IX và XI, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.
Nhờ đó, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn một số mặt hạn chế, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng. Quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen.
3 điểm đáng chú ý tạo chuyển biến trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
Đề cập những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, có 3 điểm đáng chú ý.
Đầu tiên, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo, Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị tiếp tục xác định: Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững Vùng là trách nhiệm của các địa phương và toàn hệ thống chính trị.
Về mục tiêu, Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vùng, các tiểu vùng và các địa phương trong Vùng.
Phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh...
Cần chính sách có tính đột phá cho Vùng Đồng bằng sông Hồng
Để tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng.
Theo đó, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng.