Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng quyết liệt hơn, kỷ luật một vài người để cứu muôn người
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, 'xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn nhưng phải làm và kiên quyết làm' trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 ngày 12-12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng một lần nữa nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.
Từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác này đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế".
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng; thi hành kỷ luật 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, hơn 11.700 vụ án được đưa ra xét xử. Hầu hết đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục, khẩu phục, ăn năn, hối lỗi.
“Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào" – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Nói thêm về việc này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.
“Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với những kết quả tích cực thời gian qua, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa có sự chuyển biến rõ rệt ở một số địa phương, bộ, ngành. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Đây vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm, đồng thời quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.
Cụ thể, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nêu rõ tinh thần tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiển quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Từng cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về pháp luật, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Đặc biệt, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đâu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng - ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt''; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; Bộ Công an được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Chủ tịch nước cũng quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và một số cá nhân.
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cũng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.