Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội
8h sáng nay (12/10), Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
PHÁT BIỂU CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hà Nội.
497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên toàn Đảng bộ tham dự Đại hội.
T
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự Đại hội.
Trình bày diễn văn khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Cụ thể: Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo trong mọi tình huống; diện mạo đô thị, nông thôn có bước chuyển biến mới, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ Thành phố cũng thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những khó khăn, bất cập và những điều chưa làm được trong quá trình phát triển Thủ đô.
Bí thư Hà Nội đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, bám sát thực tiễn và nhu cầu cuộc sống để tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội, tập trung phân tích sâu, khách quan, trung thực những kết quả nổi bật, cũng như hạn chế, yếu kém. Tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đúc kết những bài học kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu, khâu đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Mỗi đại biểu cần đề cao tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm, bám sát Đề án công tác nhân sự, nắm chắc quy chế bầu cử để sáng suốt lựa chọn bầu vào Ban Chấp hành các cán bộ thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, khả năng quy tụ, tập hợp, đoàn kết, có uy tín trong tổ chức đảng và nhân dân.
Chú trọng phát hiện, lựa chọn những cán bộ có đức, có tài, có uy tín, triển vọng thông qua hành động thực tiễn, đảm bảo cơ cấu hợp lý, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.