Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ
Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 11h30 (giờ địa phương), tức 10h30 (giờ Hà Nội) ngày 30/9, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Thành Cát Tư Hãn, thủ đô Ulan Bator, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh.
Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay Thành Cát Tư Hãn, thủ đô Ulan Bator, phía Mông Cổ có: Bộ trưởng Ngoại giao Batmunkh Battsetseg; Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav; Cục trưởng Cục châu Á, Bộ Ngoại giao G. Hulan; Quyền Cục trưởng Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao Ts. Ankhbayar.
Phía Việt Nam có: Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh cùng một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ.
Sân bay Thành Cát Tư Hãn rực rỡ Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Mông Cổ. Thiếu nữ Mông Cổ dâng bánh sữa theo phong tục truyền thống Mông Cổ và tặng hoa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ B. Battsetseg chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đi trên thảm đỏ dọc theo hai hàng tiêu binh bắt tay với các quan chức Mông Cổ ra đón.
Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Dự kiến trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng lãnh đạo cấp cao Mông Cổ trao đổi các định hướng lớn, biện pháp quan trọng để thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai bên ưu tiên, nhất là chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương với từng đối tác; nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống...
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=89597