Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Khởi đầu mới của triển vọng hợp tác thực chất cùng phát triển
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam là cơ hội tốt để hai nước nhanh chóng nắm bắt, cùng tháo gỡ những nút thắt hợp tác trong bối cảnh mới, nâng tầm quan hệ thực chất.

Tổng Bí thư Tô Lâm đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều ngày 14/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 tới 3 nước Đông Nam Á, hứa hẹn mở ra khởi đầu mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950).
Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 4 của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, và diễn ra chỉ sau 16 tháng kể từ chuyến thăm trước đó cùng Lãnh đạo Việt Nam nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược (tháng 12/2023).
Việt Nam và ASEAN được Trung Quốc đánh giá cao, ngày càng trở thành ưu tiên chính sách. Triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, là những vấn đề lớn thu hút sự chú ý, quan tâm rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước.
Hợp tác thực chất hướng tới xây dựng biểu tượng tin cậy cao
Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới 3 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Malaysia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN có thể tạo cơ hội để các bên liên quan thảo luận các biện pháp mới nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất trong lĩnh vực Biển Đông, đặc biệt là việc thiết lập các cơ chế hợp tác trên những lĩnh vực ít nhạy cảm.
Tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc được triển khai hơn 20 năm nay kể từ khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 cho thấy tính phức tạp của vấn đề và sự khác biệt trong quan điểm giữa các bên liên quan.
Những nhận thức và cam kết chung nêu trong Thỏa thuận Việt Nam-Trung Quốc năm 2011 về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, được nhắc lại nhiều lần trong các tuyên bố chung khác nhau cần được chuyển thành hành động và những vấn đề dễ hơn nên được giải quyết trước.
Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về việc thiết lập các khu vực thí điểm hợp tác vì sự phát triển chung trên biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ hoặc trong các lĩnh vực liên quan biển ít nhạy cảm hơn trên tinh thần “tiệm tiến, dễ trước, khó sau” sẽ giúp kiểm soát các hiểu lầm và sự cố và thể hiện sự chân thành của Trung Quốc trong việc biến Biển Đông thành biển hòa bình và hợp tác.
Hội nghị Công tác ngoại giao láng giềng Trung ương tổ chức tại Bắc Kinh (8-9/4/2025) ngay trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai với các nước láng giềng", đặc biệt coi trọng ngoại giao láng giềng.
Việc xây dựng cơ chế hợp tác dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên liên quan là bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương và đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

Chuyến tàu liên vận chở hàng Tết đầu tiên trong năm 2025 giữa hai nước được khởi hành từ Quảng Tây, Trung Quốc. (Nguồn: CCTV)
Cùng tháo gỡ vấn đề kinh tế-thương mại
Hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội mới cũng như thách thức lớn. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN với kim ngạch thương mại vượt 205 tỷ USD năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Việt Nam đang nỗ lực định hướng thu hút đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến phát triển bền vững, nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt các mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2045. Mô hình phát triển của Trung Quốc, vốn đóng vai trò là động lực chính của hợp tác kinh tế khu vực trong nhiều thập kỷ, có thể cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình, đầu tư vào đổi mới và công nghệ, tái tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, máy móc thiết bị và hàng hóa tiêu dùng đặt ra những bài toán phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, hiện nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 60 tỷ USD trong năm 2024.
Hai nước đều có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số, nhưng cần nghiên cứu cách thức, mô hình hợp tác hiệu quả, xây dựng năng lực số, nâng cao mức độ tự chủ về thiết bị, công nghệ và hạ tầng số, xử lý những quan ngại về vấn đề an ninh mạng và chủ quyền trên các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, năng lượng và giao thông trong thời đại số.
Chủ trương của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại theo hướng cân bằng và bền vững hơn, nâng tầm hợp tác, thúc đẩy thương mại cân bằng và thu hút đầu tư chất lượng cao vào những lĩnh vực ưu tiên và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển. (Ảnh: LC)
Triển vọng hợp tác, cơ hội và thách thức
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dự kiến ký kết khoảng 40 văn kiện, tạo điều kiện thuận lợi để hai nước thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục những thách thức hiện có. Đây là cơ hội quan trọng để hai nước định hướng hợp tác vào các lĩnh vực có tính chiến lược và bền vững, phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi nước trong giai đoạn mới.
Sự kết nối giữa Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc với chiến lược kinh tế Hai hành lang, Một vành đai của Việt Nam tạo động lực mới để thúc đẩy sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh việc xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới, nối liền hai quốc gia và tạo thuận lợi cho thủ tục thông quan thông minh tại các cặp cửa khẩu biên giới Việt-Trung.
Là thành viên của các hiệp định thương mại tự do tiên tiến, đáng chú ý là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam và các nền kinh tế mở của ASEAN hứa hẹn "tiềm năng to lớn" cho hợp tác công nghiệp với Trung Quốc.
Trung Quốc cần hỗ trợ ASEAN cải thiện cán cân thương mại, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao, mở rộng thị trường cho hàng nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á, hợp tác kiểm soát di cư và phòng chống tội phạm mạng thông qua các cơ chế an ninh phối hợp.
Những “điểm sáng” trong hợp tác Việt Nam-Trung Quốc có thể đóng góp đáng kể vào sự ổn định và phát triển của ASEAN. Cách thức hai nước xử lý các vấn đề tồn tại và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mới có thể trở thành mô hình tham khảo cho quan hệ giữa các quốc gia láng giềng trong khu vực.