Tổng Bí thư Hà Huy Tập - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập diễn ra trong gần 16 năm, trong đó, gần 2 năm là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng đồng chí đã cùng với tập thể BCH Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua nhiều phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng không ngừng phát triển, đi tới thành công.
Kỷ niệm 117 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập 24/4 (1906-2023)
Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.
Thân phụ đồng chí Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê.
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập sớm được hun đúc khí chất cứng cỏi, cương trực, thanh bạch của tầng lớp chí sỹ đương thời, hình thành nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng vì dân, vì nước.
Từ năm 1910-1919, đồng chí Hà Huy Tập học tiểu học ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh. Với thành tích thi đỗ thủ khoa, đồng chí được đặc cách vào thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền học lên đại học, đồng chí xin đi dạy học và bổ nhiệm về dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt, thị trấn Nha Trang. Cuối năm 1926, Hà Huy Tập gia nhập vào Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam) - một tổ chức cách mạng yêu nước ở Vinh. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng cơ sở cho hội.
Tháng 3/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn hoạt động cách mạng. Cuối tháng 12/1928, để tránh sự vây ráp, săn lùng của địch, Hà Huy Tập rời Sài Gòn đi Trung Quốc và bắt liên lạc với tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài.
Từ năm 1929-1932, Hà Huy Tập học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Từ giữa năm 1933, tại Trung Quốc, đồng chí Hà Huy Tập bắt liên lạc với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác, thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng nhằm khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931.
Từ ngày 27 - 31/3/1935, đồng chí Hà Huy Tập dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc). Sau đại hội, Hà Huy Tập cùng BCH Trung ương Đảng bắt tay vào triển khai nghị quyết đại hội.
Năm 1936, đồng chí về nước hoạt động và triệu tập hội nghị cán bộ để bầu BCH Trung ương lâm thời. Tại hội nghị này, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 9/1937, tại Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương. Hội nghị này đánh dấu một bước tiến lớn của Đảng trong một năm, từ chỗ không còn Trung ương đến chỗ có BCH và BTV Trung ương.
Ngày 1/5/1938, trong một chuyến đi công tác, do có nội phản chỉ điểm, Hà Huy Tập bị quân Pháp bắt tại Sài Gòn, sau đó bị quản thúc tại quê nhà. Ngày 30/4/1940, đồng chí bị bắt lại và bị tuyên án 5 năm tù giam.
Ngày 25/3/1941, tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đổi thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập diễn ra trong 16 năm, trong đó, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng (từ tháng 10/1936 đến tháng 3/1938).
Trong những năm cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể BCH Trung ương lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên.
Đặc biệt, sau cao trào 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng bị dìm trong biển máu, các tổ chức Đảng bị tan rã, các chiến sỹ cách mạng tiền bối số bị bắt, số phải tạm thời lánh sang các nước khác để hoạt động.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hà Huy Tập cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng đã đứng vững trên quan điểm, lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cụ thể hóa các chủ trương của Quốc tế Cộng sản và Cương lĩnh năm 1930 của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; tích cực vận động thành lập các tổ chức quần chúng, khôi phục lại các tổ chức Đảng ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam; chuẩn bị Văn kiện Đảng, tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng thành công tốt đẹp; khôi phục, củng cố lại BCH Trung ương, đánh dấu bước phát triển mới quan trọng trong lịch sử của Đảng.
Đồng chí Hà Huy Tập cũng là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta, đã soạn thảo nhiều văn kiện Đảng, viết sách, báo, tuyên truyền, giáo dục giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân; là một đảng viên mẫu mực, luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, có tình thương yêu giai cấp, yêu nhân dân sâu sắc, tin tưởng sắt đá vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Đồng chí Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Câu nói nổi tiếng “Cách mạng muôn năm”, “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”, đã trở thành lời hiệu triệu, nhắc nhở các thế hệ tiếp theo phải luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, dân tộc lên trên hết; kiên định và thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh nói chung, huyện Cẩm Xuyên nói riêng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Hà Linh
(Biên soạn theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Xuyên)