Tổng Bí thư: 'Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi được vào, trúng được thì thắng lợi lớn'
'Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi được vào, trúng được thì thắng lợi lớn, nên phải chấp nhận mạo hiểm, chứ mà thênh thang ai cũng đến được thì dễ quá...', Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Sáng 15-2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đấu thầu ham rẻ thì khoa học công nghệ sẽ mãi lạc hậu
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành cuối năm 2024 là một nghị quyết rất quan trọng, thời gian triển khai rất gấp.
“Để nghị quyết đi vào cuộc sống nếu thì phải chờ sửa Luật Khoa học và công nghệ. Sửa luật này phải mất hàng năm. Như vậy Nghị quyết 57 sẽ không triển khai được trong năm 2025 do không thể chế được bằng văn bản pháp luật. Chính vì vậy, chúng tôi mới đề nghị có riêng một Nghị quyết để tháo gỡ, thúc đẩy, khuyến khích lĩnh vực này”, Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, phạm vi khuyến khích, thúc đẩy khoa học công nghệ là vấn đề quá lớn, đụng tới vấn đề gì cũng khó khăn do vướng mắc nhiều quy định.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Thắng
“Nghị quyết ra đời là để giải quyết ngay những khó khăn này. Vì thế Quốc hội phải tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết cái vấn đề không bình thường”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay Nghị quyết của Quốc hội mới rà soát đưa ra 3 nhóm định hướng bước đầu để tháo gỡ, khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ chứ chưa đưa hết các vấn đề cụ thể được.
“Bàn vào chi tiết quá có khi không ra được nghị quyết thì lại là thất bại. Tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, hàng lối ngay ngắn chỉnh tề nhưng vẫn phải chạy đã”, Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, lĩnh vực khoa học công nghệ được ví là mảnh đất nhưng hoang vu, có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá. Đây là lĩnh vực ai cũng thấy giá trị, cần thiết nhưng chậm phát triển do có quá nhiều nhiều vấn đề. Và nếu chỉ sửa mỗi Luật khoa học và công nghệ cũng không giải quyết hết được.
“Qua thống kê sơ bộ thì thấy vấn đề nằm ở hàng loạt luật, trong đó có Luật Đấu thầu. Nguyên tắc đấu thầu là phải mua được đồ rẻ, như thế thì chúng ta dễ trở thành bãi rác khoa học công nghệ của thế giới”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư phân tích lĩnh vực khoa học công nghệ của ta vốn đã lạc hậu, chậm phát triển, do vậy phải đi tắt đón đầu, nếu không sẽ mãi đi sau thế giới. Trong khi đó, Luật Đấu thầu chỉ quan tâm đến chuyện “tiền nong, giá rẻ”, thì kết quả chúng ta sẽ chỉ nhận được những công nghệ lạc hậu.
"Thậm chí họ cho không mình công nghệ nhưng mình lại rơi vào bẫy của người ta. Một số nền kinh tế vừa qua không phát triển được khoa học công nghệ do gặp vướng mắc này. Mình lại đi vào vết xe này nữa mình chết”, Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh đây là “tội của ông đấu thầu”, nên phải tìm cách để thoát ra.
Phải khuyến khích, huy động được sức dân
Ngoài ra, theo Tổng Bí thư, khoa học công nghệ không phát triển còn do các điểm nghẽn khác về thể chế trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công tư, doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, thuế...
“Như vấn đề nộp thuế, Chính phủ miễn giảm thuế thì thu thuế được nhiều hơn. Họp Chính phủ, tôi nghe Thủ tướng báo cáo mà cảm thấy xúc động. Do vậy chúng ta phải quy định như thế nào để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất kinh doanh chứ không chỉ lo thu nhiều, thu triệt để”, Tổng Bí thư nói.
Ông Tô Lâm nhấn mạnh phải bám sát thực tế, thấy cái nào là rào cản thì phải tháo gỡ, mục tiêu là khuyến khích, động viên nhiều hơn.
“Sự tháo gỡ ấy cũng phải có trật tự để tất cả mọi người đi theo một hướng, chứ ông đi ngang, ông lại kéo lùi, thì làm sao phát triển được”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng đồng tình với ý kiến của của các đại biểu về mong muốn thời hạn nghiên cứu phát triển phải đầu tư, kéo dài thời gian hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Thắng
“Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi được vào, trúng được thì thắng lợi lớn, nên phải chấp nhận mạo hiểm, chứ mà thênh thang ai cũng đến được thì dễ quá. Chúng ta phải thiết kế cơ chế để có thể khuyến khích người ta vào khai phá mảnh đất nhiều tiềm năng này”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội dự kiến thí điểm 5 năm, trong thời gian này sẽ tiếp tục có sửa chữa, hoàn thiện các chính sách phát triển khoa học công nghệ, trước mắt là sửa Luật Khoa học và công nghệ và các luật có liên quan.
“Quá trình đưa ra Nghị quyết 57 được giới khoa học, Nhân dân rất ủng hộ. Để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống phải cần thời gian với không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, cách làm, nhìn thẳng vào thực tế để có cách tháo gỡ. Chúng ta cũng không ngại gì việc đó cả”, Tổng Bí thư nói và tin tưởng chúng ta sẽ thành công trong việc triển khai Nghị quyết 57.