Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững, đáp ứng chính sách xanh châu Âu
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu.
Trong công điện gửi các bộ, ngành và Hiệp hội ngành hàng, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu chủ động tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp các cam kết, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn; tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và các quy định về hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.
Tập trung hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện và triển khai các chính sách, quy định về quản lý chất thải, các quy định thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng; các quy định nhằm hạn chế loại bỏ chất thải độc hại trong các sản phẩm,…trong các lĩnh vực ngành chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.
Đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR, thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tăng cường triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, thúc đẩy áp dụng giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Các Hiệp hội ngành hàng chủ động cập nhật, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu để đề xuất các cơ quan chức năng có các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời; tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các quy định chính sách xanh của EU.
Các Tập đoàn, Tổng công ty chú trọng xây dựng tiêu chí và nội dung về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển của doanh nghiệp; hợp tác với các Bộ, ngành địa phương xây dựng, triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường và các quy định pháp luật hiện hành; chủ động lựa chọn, sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và thân thiện môi trường, góp phần sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, thúc đẩy sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, hạn chế chất thải, hóa chất độc hại phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; đào tạo nâng cao năng lực, khuyến khích các sáng kiến, phong trào thi đua nội bộ và thực hành sản xuất kinh doanh bền vững; tăng cường liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với các bên nhằm thúc đẩy chuỗi bền vững, tuần hoàn.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành khác nhằm thực hiện công điện.
EU đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu. Đáng chú ý là Chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" (Farm to Fork - F2F) và Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (new Circular economy action plan – CEAP), tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến. Bên cạnh đó, các chính sách về đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) và quản lý chất thải cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Dự kiến, danh sách các chính sách này sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững vào năm 2050.