Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tiếp diễn
Sáng 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với cử tri về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn phải tiếp tục; một số vụ trọng điểm còn đang làm tiếp, rõ đến đâu làm đến đó, từng bước chắc chắn. Tổng Bí thư cũng khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục.
Cử tri bày tỏ, qua theo dõi hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt cử tri rất tâm đắc và ủng hộ chủ trương sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội theo hướng bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đại biểu Quốc hội, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân, bám sát ý kiến của cử tri, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân.
Quan tâm và nêu kiến nghị đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri đánh giá rất cao, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo ý kiến cử tri, vẫn còn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền, đề nghị cần tăng cường các giải pháp để kiểm soát quyền lực.
Ông VƯƠNG HỮU PHÚ - Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Quốc hội cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chính sách kiểm soát quyền lực bởi vì không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực yếu thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Cần nâng cao vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương bởi thời gian quan nhiều tỉnh thành có tình trang tham ô, tham nhũng kéo dài nhưng Đoàn Đại biểu Quốc hội chưa phát huy hiệu quả…”
Bà VŨ THỊ THANH - Phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: “Kiến nghị Quốc hội có cơ chế kiểm soát quyền lực, không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát yếu thì tất yếu quyền lực bị lạm dụng, phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Quyền lực bị tha hóa dẫn đến quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo quan lý điều hành sẽ thấp. Vì vậy kiểm soát quyền lực nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng."
Trao đổi với cử tri về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cưc sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó sắp tới đây việc kiểm soát quyền lực ở cấp dưới cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng cụ thể như vụ ở án ở Hải Dương.
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG: “Khi có quyền trong tay mà không có ai giám sát thì tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, thậm chí bè cánh với nhau, móc nối với nhau thành lợi ích nhóm thì vô cùng nguy hiểm. Ví dụ như vừa rồi xử lý ở Hải Dương. Tinh thần giáo dục cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính, chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy nên Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương.”
Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng; vừa qua thành phố đã đi đầu thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải làm cho tốt; trước hết là những thành viên Ban Chỉ đạo phải làm gương, nếu vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Cũng theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phải tiếp tục, một số vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm và sẽ làm.
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG: “Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, chi phối, móc ngoặc. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý".
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị cần quan tâm hơn nữa đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, bảo vệ môi trường nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, vừa qua Trung ương tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc được dư luận Nhân dân rất quan tâm, ủng hộ. Văn hóa là đạo đức, là con người. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa còn là dân tộc ta còn. Do vậy, văn hóa đối với Hà Nội lại càng có ý nghĩa to lớn, Hà Nội phải dẫn đầu về văn hóa.
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG: “Văn hóa đối với Hà Nội lại càng có ý nghĩa to lớn. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô phải phấn đấu phát huy cho được những giá trị trường tồn là Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, hào hoa, thanh lịch. Hà Nội phải dẫn đầu về văn hóa.”
Dịp này, Tổng Bí thư cũng bày tỏ mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội hãy phấn đấu phát triển mạnh mẽ, ngày càng nâng tầm vị thế thủ đô của nước Việt Nam không thua kém các thủ đô trên thế giới.
Thực hiện : Diệu Huyền Anh Đức