Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh, phòng chống tham nhũng vẫn đang tiếp tục
Ngày 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tiến hành tiếp xúc cử tri các quận: Hai Bà Trưng; Ba Đình; Đống Đa trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hoàng Minh Bần (quận Hai Bà Trưng) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường các giải pháp kiểm soát quyền lực để các cơ quan, cán bộ công chức thực hiện đúng thẩm quyền, chỉ được làm những điều pháp luật quy định, cho phép.
Theo cử tri Vương Hữu Phú (quận Ba Đình), thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực kéo dài ở các địa phương nhưng đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chưa bám sát, chưa quan tâm giải quyết đến nơi đến chốn. Do đó cần nâng cao vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các ý kiến cử tri nêu rất ngắn gọn, sâu sắc, và sát thực tiễn. Tổ đại biểu sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của cử tri và tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Về việc kiểm soát quyền lực, theo Tổng Bí thư phải quan tâm nhiều hơn, bởi có quyền trong tay nhưng không ai giám sát dẫn đến tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm. Thậm chí bè cánh với nhau, móc ngoặc với nhau trở thành lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm.
Tổng Bí thư dẫn ví dụ, vừa qua vụ xử lý ở Hải Dương không phải một người, mà móc ngoặc với nhau từ Bí thư Tỉnh ủy cho đến Chủ tịch tỉnh; cán bộ các cấp và còn móc với cán bộ trên Trung ương. Theo Tổng Bí thư, lúc đầu không nhận nhưng đưa ra tất cả bằng chứng, xuống gặp gỡ tổ chức Đảng ở đó nên cuối cùng phải nhận.
“Tại hội nghị Trung ương vừa qua đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương ở mức cao nhất là khai trừ Đảng. Sắp tới Chính phủ còn xử lý về mặt chính quyền. Rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, phối hợp với nhau nhịp nhàng. Tinh thần quyết liệt nhưng phải có cách làm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho biết, mới đây Trung ương có quyết định rất mới. Bây giờ không chỉ có kỷ luật mà nếu cán bộ thấy có khuyết điểm, tự nhận và xin thôi, tự từ chức thì Trung ương hoặc các cơ quan có thẩm quyền đồng ý quyết định cho thôi. Việc đó nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn mất hết các chức. Còn ai có điều kiện, sức khỏe, khả năng có thể tham gia vào công việc khác phù hợp hơn chứ không phải cốt xử thật nặng, không còn tình nghĩa gì mới là nghiêm.
Theo Tổng Bí thư, Trung ương nhất trí rất cao về xung quanh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Cuộc chiến đấu vẫn đang còn tiếp tục, chưa phải đã hết. Một số vụ trọng tâm, trọng điểm thì đang làm, không thể nói trước vì khó cho anh em làm. Có những vụ cách đây nhiều năm rồi, chi phối cả hệ thống chính quyền. Tinh thần giáo dục cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương.
Nhắc lại việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nhắc nhở “Hà Nội đã thành lập và phải làm gương”.
Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Anh nào ở trong Ban chỉ đạo mà vi phạm. Tôi xử lý trước. Không phải răn, đe, mà là nói thật. Đã làm thì phải gương mẫu. Một số thế lực xuyên tạc cho rằng chống tham nhũng là do nội bộ đánh nhau hoàn toàn không đúng, nhằm chia rẽ, cho nên phải hết sức cảnh giác. Việc xử lý vừa qua làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến. Quan trọng nữa là răn đe để anh khác đừng đi vào con đường ấy”.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được nhân dân rất hoan nghênh, thế giới nể phục. Bây giờ tiến lên một bước nữa, không cần xử mà cho anh “tự xử”. Trung ương vừa rồi đã có mấy đồng chí xin tự thôi. Trung ương đã đồng ý. Tinh thần không làm được việc ấy thì thôi, xin cho thôi, có thể chuyển sang làm việc khác thích hợp hơn.