Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua ký ức đêm tiễn bạn vào Nam chiến đấu
Ông Phan Văn Kính bồi hồi nhớ đêm trước khi vào Nam chiến đấu, người bạn đã tiễn đưa, ôm nhau rơi nước mắt chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau này
Trong căn nhà cũ kỹ, đơn sơ nằm trên đường Hoa Lư, TP Nha Trang, Khánh Hòa, ông Phan Văn Kính (82 tuổi) - nguyên giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa - trước đó liên lạc với bạn bè lớp Văn 8 (khóa 1963 -1967) Đại học Tổng hợp Hà Nội, để ông bay ra Hà Nội cùng tiễn biệt người bạn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nước mắt đêm tiễn bạn
Những hồi ức về năm tháng học tập ở Hà Nội, bom đạn chiến tranh ác liệt ùa về.
Ông Phan Văn Kính là người tỉnh Nghệ An, cho biết học xong cấp 3 ông thi đậu vào Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, là cả niềm mơ ước. Ban đầu trường ở thủ đô Hà Nội, nhưng đến năm 1965, do điều kiện chiến tranh nên cả lớp phải sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục học tập.
Ông Kính nhớ thời điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tổ Văn học Nga, còn ông theo tổ Văn học Pháp. Lúc sơ tán, các sinh viên chia nhau vào ở các nhà dân, vừa học tập vừa phụ giúp gia đình dân.
"Khi đó, tôi và anh Trọng mỗi người ở trọ một nhà dân, chỉ cách khoảng 50 m nên ngày nào chúng tôi cũng gặp gỡ. Ở nhà tôi, có một anh người miền Nam cũng theo học. Anh này hay đi bắt cá, lươn, ếch nhái về nấu cháo và lúc nào cũng gọi anh Trọng qua ăn cùng, rất đầm ấm" - ông Kính nhớ lại.
Học được 1 năm, đến năm 1966, ông Kính xung phong vào chiến trường miền Nam để làm phóng viên chiến trường. Thời điểm này, ông Kính xa nhà, không có người thân bên cạnh, có thể nói người để ông tâm sự, chia sẻ tâm tư, động viên ông Kính chính là người bạn học Nguyễn Phú Trọng.
Đêm trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam, người bạn Nguyễn Phú Trọng đã sang ngủ cùng và trò chuyện thân tình với ông Kính. Cả hai kể cho nhau nghe về gia đình, quá trình học tập vượt qua bao gian khổ để vào được trường đại học. Cả hai chia sẻ niềm tin, động lực, hoài bão học tập để sau này phục vụ cho cách mạng, phục vụ Tổ quốc…
"Sáng hôm sau, anh Trọng đi bộ tiễn tôi quãng đường gần 2 km để đến điểm xe đón. Băng qua mấy con suối, rồi cả hai dừng lại. Anh Trọng ôm lấy tôi để tiễn biệt. Anh chúc tôi lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi đều rất lạc quan, tin tưởng và chờ ngày thống nhất đất nước sẽ gặp lại. Vậy mà trong thời khắc đó, tôi thấy trên khuôn mặt anh là 2 hàng nước mắt. Chúng tôi ôm nhau trong nước mắt" – ông Kính nhớ mãi khoảnh khắc ấy.
Nhân cách mẫu mực
Theo ông Kính, ông đã học tập rất nhiều từ người bạn Nguyễn Phú Trọng. Đầu tiên là tấm chân tình, chung thủy, uống nước nhớ nguồn.
Theo ông Kính, dù mỗi thời điểm ở trên cương vị khác nhau, từ biên tập viên đến Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, thì Tổng Bí thư đối với bạn bè vẫn hết sức khiêm tốn, giản dị. Với thầy cô đều trân trọng xưng là em, với bạn bè thì xưng hô thân tình.
Mỗi lần họp lớp Văn 8, Tổng Bí thư nhớ hết tất cả tên các bạn học, thậm chí có người cả mấy chục năm không gặp vẫn nhớ tên rõ ràng. Tổng Bí thư còn rất quan tâm đến tang gia, hiếu hỉ của bạn bè đồng môn.
"Nhìn cách anh ứng xử với mọi người mà tôi cũng quan tâm hơn đến những người thân, người bạn cạnh mình. Đối với những ân nhân trong quá trình kháng chiến, thay vì mỗi năm đến thăm vào các ngày lễ, tết thì nay tôi quan tâm hơn, cứ vài tháng lại thăm một lần. Đó là tôi học tập theo nhân cách của anh Trọng"- ông Kính nói.
Ông Kính nhớ lại: "Sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, anh Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư. Sau đó vài tháng, anh đến dự cuộc họp lớp được tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại cuộc gặp mặt này, anh nói "Bây giờ tôi là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng có làm Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước thì cũng như một đám mây rồi cũng bay qua. Cuối cùng chỉ còn lại cái tình cái nghĩa với anh em, bạn bè, thầy cô giáo và đồng chí, đồng bào".
Nói xong, anh có cử chỉ rất dễ thương là khuỳnh hai tay ra phía trước như muốn ôm tất cả chúng tôi vào lòng... Và bây giờ, trên bầu trời đất Việt một đám mây trắng tinh khiết và thanh cao đã bay qua như thế...
Có dịp vào Nha Trang công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đến thăm người bạn đồng môn. Năm 2011, khi là Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đã đến nhà ông Kính.
"Khi đó, bên Tỉnh ủy nói là 7 giờ tối Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ ghé thăm. Tôi vội dọn dẹp nhà cửa đón tiếp. Khi đến nhà, anh Trọng liền cởi giày ra xếp lại gọn gàng mới bước vào nhà. Vợ tôi liền nói anh cứ mang giày vào thì anh nói cởi giày ra cho mát.
Anh Trọng hỏi thăm sức khỏe và hỏi tôi nghỉ hưu có làm gì không? Tôi khoe là vẫn tham gia hội cựu chiến binh và mới có giấy khen. Tôi tưởng anh cầm tờ giấy khen thôi nhưng anh lại đọc rất kỹ và nói nữ chủ tịch phường này có chữ ký rất đẹp. Tôi cũng rất bất ngờ. Anh ngồi giữa vợ chồng tôi và nói giấy khen này tôi chỉ có 50% công sức thôi… Vậy đó, anh nhắc cho tôi rằng thành công hôm nay có được, một nửa là nhờ có người vợ tảo tần ở cạnh bên"- ông Kính kể.
Theo ông Kính, năm 2023, lớp Văn 8 lại có dịp gặp nhau ở Báo Nhân Dân. Ông Kính có dẫn gia đình theo.
"Khi thấy vợ tôi, anh Trọng liền hỏi thăm, anh nhớ cả tên vợ tôi, nhớ cả nghề nghiệp. Điều này khiến tôi rất bất ngờ và kính trọng vô cùng… Tổng Bí thư là vậy, luôn khiêm tốn, giản dị, chân thật, tận tâm đối với mọi việc. Nhân cách mẫu mực của Tổng Bí thư là điều mà chúng ta phải học tập, noi theo" - ông Kính đúc kết.