Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội
Sáng 1.7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình sau Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; đại diện các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội và đông đảo lãnh đạo, cử tri của ba quận.
Nhiều đổi mới có hiệu quả, ngày càng công khai, minh bạch
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ Năm và việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc trước.
Cử tri hoan nghênh việc Kỳ họp thứ Năm được bố trí thành hai đợt họp, tạo điều kiện để các đại biểu có thêm thời gian nghiên cứu tài liệu và các cơ quan có thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua là đổi mới có hiệu quả. Đặc biệt, tại kỳ họp này, việc lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là sự đổi mới theo hướng công khai, minh bạch.
Cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) vui mừng nhận thấy, Kỳ họp thứ Năm đã thành công tốt đẹp, có sự đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Kỳ họp đã thông qua 8 Luật và 17 Nghị quyết, đã có 1.533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường. Trong đó, có những dự án Luật có nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận sôi nổi, như dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… Quốc hội cũng đạt được sự thống nhất cao khi thông qua các dự án Luật, đều trên 96% trở lên. “Với khối lượng công việc khá lớn, chỉ trong 23 ngày, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thực sự thể hiện trách nhiệm rất cao đối với đất nước, với Nhân dân”, cử tri Nguyễn Đức Thuận khẳng định.
Hoan nghênh các ý kiến đóng góp, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Năm, cử tri kiến nghị, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành theo hướng “lấy người dân làm trung tâm”, quan tâm phát triển đồng đều các quỹ đất dành cho văn hóa, giáo dục, quốc phòng bên cạnh quỹ đất cho phát triển kinh tế; các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần sửa đổi theo hướng công bằng, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này cần có quy định cụ thể để giải quyết dứt điểm các dự án treo, dự án chậm, muộn, quy định rõ trách nhiệm những tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng này, góp phần giải quyết tốt hơn bức xúc của người dân về đất đai - một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các khiếu kiện ở nhiều nơi, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, phát sinh thành điểm nóng về an ninh chính trị.
Tại sao năm nào EVN cũng báo lỗ và tăng giá điện để bù lỗ?
Cử tri hoan nghênh việc tại Kỳ họp thứ Năm, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, nóng bỏng đã được đưa ra thảo luận, như các vụ việc sai phạm xảy ra ở các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; công tác đào tạo nghề nói chung, trong đó có lao động nông thôn; vấn đề thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với các chủ hộ kinh doanh cá thể đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục triệt để; tình trạng cắt điện, tăng giá điện mùa nắng nóng và vấn đề độc quyền của ngành điện, tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp...
Đề cập đến vấn đề tăng giá điện, cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) nêu rõ, từ tháng 5.2023, EVN tăng 3% giá điện và theo giải thích của đại diện EVN thì việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến người dân, số tiền điện tăng chỉ khoảng 30.000 đồng/tháng. Song thực tế có phải như vậy không? Cử tri Vũ Thị Thanh phản ánh, dư luận nhìn chung không đồng tình với việc tăng giá điện, đặc biệt là vào đúng thời điểm nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, kéo theo tiền điện cũng tăng cao. Nếu tăng giá điện nữa sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp. “Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao năm nào EVN cũng báo lỗ và tăng giá điện để bù lỗ? Vấn đề đặt ra là cần xem lại hệ thống vận hành của EVN. Và, trong trường hợp phải tăng giá điện, đề nghị EVN chọn thời điểm khác, không gây bức xúc cho người dân, đồng thời điều chỉnh các mức giá điện tiêu thụ hợp lý hơn”, cử tri Vũ Thị Thanh thẳng thắn.
Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đề cập đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý cán bộ có sai phạm, cử tri Hoàng Thanh Hồng (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho rằng, từ những kết quả trong công tác này với quyết tâm chính trị rất cao và tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã sàng lọc, xử lý được những phần tử thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để cấu kết thực hiện mưu đồ cá nhân, thu lợi bất chính, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia… ra khỏi các tổ chức, cơ quan công quyền, củng cố niềm tin của Nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó, có những vụ “đại án” được đưa ra xét xử kịp thời, như vụ “thổi giá” kít xét nghiệm của Công ty Việt Á; vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; các vụ việc nhận và đưa hối lộ liên quan đến các chuyến bay “giải cứu” đợt dịch Covid-19; vụ việc đưa và nhận hối lộ trong “đại án” AIC …
Cử tri đề nghịTrung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đó là phải kiên quyết, kiên trì trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này.
Tuy nhiên, cử tri cũng nêu hiện tượng một bộ phận cán bộ đầu ngành né tránh, không dám làm, sợ chịu trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết công việc của người dân, nhất là người bệnh trong lĩnh vực y tế, hay vướng mắc trong vấn đề đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế… tại các cơ sở y tế cũng như bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh của người dân, người bệnh.
Cử tri kiến nghị, cần xem xét, rà soát đưa ra khỏi bộ máy những người vô cảm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tăng cường cơ chế và bộ máy kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước thật sự hiệu quả.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vụ án lớn cũng như các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như đất đai, ngân hàng...; Quốc hội tăng cường chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nhằm ngăn chặn hiện tượng “lợi ích nhóm”, bịt các “kẽ hở” trong chính sách, pháp luật mà các cá nhân, tập thể có thể lợi dụng để trục lợi.
Cử tri đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, phổ biến, tuyên truyền những nội dung các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Thay mặt Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Đinh Tiến Dũng đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nêu rõ các ý kiến của cử tri đều thẳng thắn, sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm và có tinh thần xây dựng cao, đề cập đến nhiều vấn đề vừa mang tính bao quát, vừa cụ thể, xác đáng, đa chiều, phong phú, từ công tác xây dựng Thủ đô đến những vấn đề lớn của đất nước. Đặc biệt, ý kiến của cử tri đều đồng tình cao với kết quả Kỳ họp thứ Năm, đồng thời tiếp tục phản ánh, đề xuất một số kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ và TP. Hà Nội, tập trung vào những vấn đề quốc kế dân sinh lớn của đất nước và của Thủ đô.
Thông tin thêm với cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,97% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô ước thực hiện 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,22%...
Cải cách, kỷ cương hành chính tiếp tục được củng cố, đẩy mạnh. Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Thành phố đứng thứ 3/63 tỉnh thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. An sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Công tác phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. Công tác quốc phòng tiếp tục được chỉ đạo thực hiện tốt.
Thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô. Trong đó, Thành phố đang tập trung quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với mục tiêu cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Hiện Thành phố đã hoàn thành trên 84% diện tích giải phóng mặt bằng và ngày 25.6 vừa qua đã phối hợp với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức Lễ khởi công dự án quan trọng này.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ và đồng hành của cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân cả nước.
Giám sát của Quốc hội là “giám sát ở tầng cao nhất”
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tâm huyết, sát thực tế của cử tri, đồng thời nêu rõ các ý kiến phát biểu của cử tri đã đề cập rất đúng và trúng các vấn đề thời sự của đất nước.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm của Quốc hội, Tổng Bí thư nêu rõ, Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Giám sát của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là “giám sát ở tầng cao nhất”, giám sát việc chấp hành các nghị quyết của Đảng, của Trung ương và các luật, nghị quyết của Quốc hội... xem có đúng không dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để hiểu rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khẳng định vị trí, vai trò của Thành phố Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thấm sâu các giá trị cao quý, rất đáng tự hào và được tôn vinh để xây dựng Thủ đô của chúng ta xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, đặc biệt phải hết sức chú ý vai trò là “trung tâm văn hóa” của cả nước, kế thừa và giữ gìn những giá trị, di sản văn hóa ông cha ta đã để lại. Đây là nguồn sống, động lực và trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau phải giữ cho được truyền thống tốt đẹp đó. Và, Đoàn ĐBQH cũng phải xứng đáng là “Đoàn ĐBQH TP Hà Nội”, đóng góp thiết thực, tích cực cho các hoạt động của Quốc hội.