Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Người có vai trò to lớn chỉ đạo xây dựng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nhà hoạt động chính trị xuất sắc, nhà lý luận tài năng, có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Là người hoạt động và trưởng thành từ phong trào, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có vai trò rất lớn trong việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam cả về tổ chức và lý luận.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, ngay khi mới 16 tuổi đang theo học phổ thông, Nguyễn Văn Cừ đã tham gia hoạt động cách mạng với việc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khi bị đuổi học vì tội “hoạt động chính trị” chống chính quyền thực dân, Nguyễn Văn Cừ đã được tổ chức đưa đến hoạt động tại vùng mỏ than Đông Bắc. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã tham gia phong trào “vô sản hóa”, hòa mình vào quần chúng, thâm nhập thực tiễn, xây dựng tổ chức Hội, tuyên truyền và giác ngộ công nhân. Đây là bước ngoặt mang tính quyết định đưa Nguyễn Văn Cừ trở thành nhà hoạt động cách mạng có tầm lý luận và thực tiễn cao của Đảng.
Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ hoạt động tại mỏ than Vàng Danh. Để gây dựng phong trào, Nguyễn Văn Cừ đã hòa mình vào cuộc sống của công nhân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để hoạt động công nhân. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, Nguyễn Văn Cừ đã tổ chức và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở vùng mỏ Vàng Danh và vận động quần chúng tham gia tổ chức Công hội mỏ.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại Hà Nội. Với những đóng góp của mình, Nguyễn Văn Cừ cùng Lê Văn Lương, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)… được công nhận là những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng khi đồng chí mới 17 tuổi.
Sau thời gian làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng ở mỏ than Vàng Danh và làm nhiệm vụ xây dựng trạm liên lạc Hà Nội - Hải Phòng, Nguyễn Văn Cừ được điều làm cán bộ chuyên trách và giao phụ trách công tác kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng ở kho mỏ. Với sự năng nổ hoạt động của Nguyễn Văn Cừ, đến cuối năm 1929, toàn khu mỏ Đông Bắc đã có 4 chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được chuyển đổi thành tổ chức chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuối năm 1929, Nguyễn Văn Cừ được phân công về phụ trách tổ chức đảng tại mỏ than Mạo Khê, nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhưng đang bị địch đàn áp. Với kinh nghiệm bám sát cuộc sống của thợ thuyền, phong trào cách mạng ở đây dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Văn Cừ đã dần hồi phục và từng bước phát triển.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập đến cuối tháng 2, Nguyễn Văn Cừ cùng một số đồng chí khác đã tổ chức thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại mỏ than Mạo Khê. Sau khi chi bộ mỏ than Mạo Khê được thành lập, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công là phái viên của Trung ương lâm thời tại vùng mỏ. Với sự hoạt động năng nổ và có hiệu quả của Nguyễn Văn Cừ, các chi bộ Đảng lần lượt được thành lập tại Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vàng Danh.
Để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phong trào đấu tranh của công nhân mỏ, Nguyễn Văn Cừ đã cho xuất bản tờ báo Than, cơ quan tuyên truyền của tổ chức đảng vùng mỏ. Báo Than đã có tác dụng tuyên truyền, vận động công nhân đoàn kết đứng lên đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Với sự ra đời của các tổ chức đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, mà giai cấp công nhân làm nòng cốt đã phát triển rộng khắp khu mỏ Đông Bắc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Để thống nhất chỉ đạo phong trào đấu tranh ở vùng mỏ, sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Đặc khu ủy mỏ Đông Bắc và Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện Xứ ủy tại Đặc khu. Trên cương vị mới, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí trong Đặc khu ủy chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân vùng mỏ với các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cắm cờ búa liềm vào ngày 1/5 trên núi Bài Thơ, rải truyền đơn trên đường phố Cẩm Phả, đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương, giảm giờ làm…
Như vậy có thể khẳng định rằng, Nguyễn Văn Cừ là người có vai trò rất lớn trong phong trào “vô sản hóa”, tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết, xây dựng các tổ chức Công hội tại vùng than Đông Bắc và tiếp đó là việc xây dựng tổ chức cơ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng như sau đó là việc thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại vùng than Đông Bắc của đất nước.
Năm 1930, ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo phong trào cách mạng dân tộc dân chủ, nổi bật là phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Nam Định, Nhà máy dệt sợi Hà Nội, Nhà máy xi măng Hải Phòng, cao su Phú Riềng, cao su Dầu Tiếng, Nhà máy Ba Son Sài Gòn… Đỉnh cao của phong trào đấu tranh của Nhân dân ta trong những năm 1930 - 1931 là cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhiều tổ chức quần chúng cách mạng được thành lập như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng, Hội Cứu tế đỏ, Hội Tán trợ cách mạng… và việc thành lập chính quyền Xô Viết ở một số địa phương.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Hội phản đế Đồng minh chủ trương bảo đảm tính chất công - nông, đồng thời mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thật sự là của toàn dân.
Đúng trong giai đoạn cao trào cách mạng đang lên cao, thì ngày 15/2/1931, trên đường công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt và sau đó bị đày ra Côn Đảo. Trong hơn 5 năm bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ cùng các tù nhân tiền bối cách mạng như Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh, Lương Khánh Thiện… vừa học tập, rèn luyện và đấu tranh để khi ra tù đã trở thành những nhà lãnh đạo cả về lý luận và thực tiễn của Đảng.
Năm 1936, khi được ân xá khỏi nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ bí mật ra Hà Nội chắp nối với các đồng chí tù chính trị cộng sản để gây dựng lại phong trào cách mạng sau cuộc khủng bố trắng trong những năm 1930 - 1935 của thực dân Pháp. Tháng 3/1937, Nguyễn Văn Cừ tham gia Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ và được bầu vào Ban Thường vụ, phân công làm đại diện của Xứ ủy bên cạnh Trung ương Đảng. Tháng 8/1937, Nguyễn Văn Cừ và Hoàng Quốc Việt được cử thay mặt Xứ ủy đi dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tại Sài Gòn - Gia Định.
Từ ngày 25/8 đến ngày 4/9/1937, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Hội nghị kiểm điểm tình hình, rút kinh nghiệm về cuộc vận động dân chủ và đề ra đường lối hoạt động trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cừ báo cáo về công tác hoạt động quần chúng của Đảng. Trong báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thẳng thắn phê phán những khuyết điểm, sai lầm về nguyên tắc tổ chức quần chúng như tư tưởng biệt phái, cô độc, không chú ý gây dựng cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp, ít chú ý công tác vận động binh lính, không đưa cán bộ vào hoạt động trong các nhóm cải lương… Theo đồng chí Nguyễn Văn Cừ, các đảng bộ cơ sở phải hết sức coi trọng việc phát huy sáng kiến, phải linh hoạt trong công tác vận động quần chúng. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Hội nghị quyết định: “Đảng phải dùng cách chỉ đạo các hội quần chúng về mặt chính trị một cách xác đáng và lanh lẹ…, các cấp đảng bộ phải chú ý lấy những phần tử công nhân, nông dân, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người lao động ngoại quốc vào cơ quan chỉ đạo của Đảng”1. Nghị quyết còn đề ra nhiệm vụ vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, vấn đề cứu tế bình dân… để lôi kéo, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, Hội nghị đã xác định: “Trong lúc này, nhiệm vụ căn bản của Đảng là tổ chức Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương” và chỉ rõ: “Các đảng bộ lãnh đạo quần chúng tranh đấu phải khôn khéo tránh những phong trào cô độc, biệt phái, có thể trở ngại cho thành lập mặt trận ấy, phải làm sao cho những phong trào của thợ thuyền và dân cày đi khít với nhau và thâm nhập vào phong trào dân chúng thống nhất Đông Dương”2. đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được Hội nghị bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phân công ra Bắc chỉ đạo phong trào các tỉnh ở miền Bắc và các tỉnh Bắc - Trung Kỳ.
Tháng 9/1937, Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc - Trung Kỳ tại phố Hàng Bột, Hà Nội. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ khôi phục và phát triển tổ chức đảng các cấp, quyết định các biện pháp đẩy mạnh đấu tranh công khai và bán công khai cho phù hợp với tình hình mới. Hội nghị tuyên bố thành lập Liên Xứ ủy Bắc - Trung Kỳ. Một thời gian sau, do yêu cầu của cách mạng, Liên Xứ ủy Bắc - Trung Kỳ tách thành Xứ ủy Bắc Kỳ và Xứ ủy Trung Kỳ.
Cùng với các hoạt động phục hồi, xây dựng các tổ chức đảng cũng như sử dụng báo chí làm vũ khí tuyên truyền, cổ động phong trào đấu tranh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ rất quan tâm đến phong trào công nhân. Đồng chí đã chỉ đạo Xứ ủy Bắc Kỳ đẩy mạnh công tác vận động công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, thành lập các hội ái hữu, tương tế và các hội dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhằm tập hợp quần chúng đấu tranh theo mục tiêu của Đảng. Tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ công vận và là người trực tiếp giảng bài. Phong trào công nhân Hà Nội trong những năm này phát triển nhanh, nhiều công nhân ưu tú được kết nạp vào Đảng, đưa đến sự ra đời của các chi bộ cộng sản trong các xí nghiệp, nhà máy.
Đối với phong trào nông dân, phụ nữ, thanh niên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã gây dựng cơ sở và thành lập được một số chi bộ đảng; đồng thời chỉ đạo tổ chức nhiều hình thức hoạt động để lôi cuốn đông đảo nông dân, phụ nữ tham gia vào các hội như: cấy, cày, hiếu, hỷ, văn nghệ, đọc sách, thể thao… Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với đồng chí Đào Duy Kỳ chỉ đạo việc thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương, nhằm thu hút thanh niên vào các đoàn thể; tuyên truyền, giáo dục thanh niên tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng. Đồng chí còn chủ trương lấy tổ chức Đoàn Thanh niên làm nòng cốt cho các hoạt động cách mạng của tuổi trẻ trong các trường học như: Nhóm nghiên cứu sách báo công khai, thành lập các hội ái hữu học sinh Trường Thăng Long…
Tháng 3/1938, Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội đi Sài Gòn dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị được tổ chức tại làng Tân Thới Nhất, Hóc Môn (Gia Định) từ ngày 29/3 đến ngày 30/3/1938. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn và một số đồng chí khác. Hội nghị bàn những vấn đề rất quan trọng của cách mạng Việt Nam. Sau khi nhận định một số thay đổi trong chính sách cai trị của chính quyền thực dân, Hội nghị phân tích kỹ thái độ chính trị của các đảng phái ở Việt Nam, đánh giá phong trào quần chúng và kiểm điểm công tác vận động quần chúng của Đảng.
Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương, vì: “Hội nghị xét rằng vấn đề lập Mặt trận Dân chủ thống nhất là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại, tranh đấu gần hai năm nay tuy chưa thực hiện được hẳn hoi, nhưng trong các lớp dân chúng, các đảng phái, đã có ít nhiều xu hướng liên hiệp hành động và những mầm mống để thực hiện Mặt trận thống nhất. Vậy cần đưa hết toàn lực của Đảng, dùng hết phương pháp để lan rộng các xu hướng, phát triển các mầm mống ấy thành một lực lượng hành động mạnh mẽ”3. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 người, trong đó 9 người ở trong nước, hai người ở nước ngoài là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Phùng Chí Kiên. đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 1/9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ba tuần sau, ngày 26/9/1939, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản, bắt bớ những người cộng sản Pháp. Ngày 28/9/1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định cấm các hoạt động tuyên truyền cộng sản trên toàn cõi Đông Dương. Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi, các tổ chức quần chúng có liên hệ với Đảng bị giải tán, báo chí công khai của Đảng bị đóng cửa, nhiều người làm báo bị bắt.
Trước sự đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược sang một thời kỳ mới. Tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng, phổ biến tình hình và quyết định rút ngay một số cán bộ công khai vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ bí mật của Đảng. Nhờ sự nhạy bén đó, khi Toàn quyền Đông Dương ra lệnh đàn áp, khủng bố các hoạt động cách mạng thì các tổ chức đảng đã rút vào hoạt động bí mật, tránh được những tổn thất do kẻ thù gây ra.
Cuối năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bí mật trở lại Sài Gòn, gặp lại các đồng chí Lê Duẩn, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, các đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bàn kế hoạch, nội dung và một số công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương. Từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, tại Tân Thới Nhất, Hóc Môn (Gia Định), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương được tiến hành dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trên cơ sở phân tích tình hình và dự báo triển vọng của cách mạng, Hội nghị quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của Đảng từ công khai sang hoạt động bí mật, chuyển khẩu hiệu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập cho các dân tộc ở Đông Dương. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dân tộc”4. Với tinh thần đó, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương; đồng thời xác định: “Lực lượng chính của cách mệnh là công nông, vào các tầng lớp trung sản thành thị, thôn quê và đồng minh chốc lát hoặc trung lập giai cấp tư sản bổn xứ, trung tiểu địa chủ. Mặt trận ấy phải dưới quyền chỉ huy của vô sản giai cấp”5.
Việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương với nhiệm vụ và mục tiêu chính là tập hợp mọi lực lượng nhân dân nhằm “đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm để giành lấy giải phóng dân tộc”, quyết định chuyển từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang là quyết định sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương đã làm tốt vai trò của mình, tạo tiền đề để đến năm 1941, khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, tiếp tục tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành độc lập cho dân tộc vào năm 1945.
Trong quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có nhiều tác phẩm và bài viết mang tính sáng tạo về mặt lý luận và có giá trị thực tiễn sâu sắc. Trong những năm 1938 - 1939, đồng chí viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng. Nội dung các bài viết trong thời kỳ này đề cập nhiều vấn đề về đường lối, chủ trương của Đảng trong chỉ đạo quần chúng đấu tranh; về phân tích và nhận định thời cơ cách mạng; về chuyển hướng chiến lược cách mạng; về xây dựng lực lượng cách mạng trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc. Đáng chú ý nhất là cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ về lý luận và phương pháp vận động quần chúng, về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất phù hợp với điều kiện và mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Với các bút danh D.C., Trí Thành, T., T.H., Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết nhiều bài cho báo Dân chúng và một số báo xuất bản công khai khác. Trong hơn 80 số báo Dân chúng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết nhiều bài, tập trung vào những chủ đề lớn như vấn đề đấu tranh nghị trường trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Mặt trận Dân chủ với Mặt trận công - nông trong vụ tuyển cử Hội đồng quản hạt… đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn viết nhiều bài phân tích tình hình chính trị thế giới có liên quan đến cách mạng Đông Dương, viết một số tác phẩm như Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương…
Đặc biệt, trong thời gian trên cương vị Tổng Bí thư với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoàn thành tác phẩm Tự chỉ trích nổi tiếng. Thông qua tác phẩm, trước hết đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh trên cả nước nhằm vạch mặt bọn tờrốtkít giả danh cách mạng, tiến hành tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, nghiêm khắc lên án, chỉ trích những khuynh hướng cô độc, hẹp hòi và khuynh hướng hữu khuynh thỏa hiệp với bọn tờrốtkít, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Một nội dung khác rất quan trọng trong tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là phê phán những nhận thức quan điểm lệch lạc của một số đồng chí về chính sách Mặt trận của Đảng và phân tích sâu sắc đường lối đúng đắn và những kinh nghiệm phong phú của Đảng trên lĩnh vực này.
Trong tác phẩm, với các tiêu đề: “Không thể liên hiệp với các đảng phái phản động”; “Mặt trận thống nhất ở bên trên và Mặt trận thống nhất ở bên dưới”; “Không đánh đổ các giai cấp bản xứ trong giai đoạn lập Mặt trận Dân chủ”; “Cần phân biệt bọn phản động với bọn cô độc hèn nhát để lôi kéo kẻ có thể đồng minh”; “Cần phân biệt thái độ bọn cải lương lừng khừng hèn nhát với chủ trương thống nhất hành động để kéo quần chúng tranh đấu”; “Muốn thực hiện Mặt trận Dân chủ, phải khuyếch trương cuộc vận động của dân chúng”; “Phân biệt kẻ nguy hiểm nhiều với kẻ nguy hiểm ít”; “Trong một giai cấp có thể có nhiều đảng”; “Người cộng sản là chiến sĩ thực tế, nhưng không phải bọn chính trị cận thị”; “Căn cứ vào hành động để xét đoán người cách mệnh”… Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phân tích sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng đối với việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Trước hết về chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và đã mang lại những thành công nhất định trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết: “Chính sách lập Mặt trận Dân chủ thống nhất của Đảng ta chủ trương là rất thích hợp và đã được khá nhiều thành tích tỏ rằng được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh”6.
Về thành phần của Mặt trận Dân chủ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Mặt trận Dân chủ của Đảng là “sự liên hiệp các tầng lớp nhân dân các đảng phái tấn bộ để chống phát xít và chế độ thực dân phản động, là một hình thức đặc biệt của Mặt trận phản đế rộng rãi”7. Chính vì vậy, khi có quan điểm “không đánh đổ một giai cấp nào, một đảng phái nào của người bản xứ”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng đó là sai lầm và đây chỉ là “ý kiến riêng của cá nhân”; đồng thời, Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: “Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này là: Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các lực lượng cải cách dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc vào Mặt trận Dân chủ thống nhất, để chống phản động thuộc địa, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo, hòa bình”8. Điều đó có nghĩa là Đảng liên hiệp có nguyên tắc với các đảng phái cách mạng, đảng phái cải lương tán thành cải cách dân chủ, chứ không thể liên hiệp với các đảng phái phản động, làm tay sai cho đế quốc, phát xít.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phân tích sâu sắc chủ trương lập Mặt trận của Đảng là vừa liên minh bên trên, vừa liên minh bên dưới, cô lập bọn phản động, tranh thủ những người tiến bộ và lừng chừng, tranh thủ quần chúng trong các đảng phái cải lương, phản động. Yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi của Mặt trận Dân chủ là Đảng phải tập hợp và đoàn kết được đông đảo quần chúng, có các tổ chức rộng rãi để lãnh đạo họ đấu tranh. Từ thực tế hoạt động nhiều năm trong phong trào công nhân, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Mặt trận Dân tộc thống nhất “phải thực hiện trong quá trình cuộc tranh đấu. Mỗi cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công đòi tự do dân chủ và cải thiện sinh hoạt là một yếu tố xây đắp Mặt trận Dân chủ. Những tổ chức quần chúng như các ái hữu tương tế của thợ thuyền, nông dân, các hợp tác xã của tiểu thủ công, tiểu thương, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ đều là bộ phận khăng khít của Mặt trận Dân chủ, là nền tảng để thực hiện Mặt trận Dân chủ thống nhất”9.
Về sách lược của Đảng trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ ra rằng: Cần phải phân biệt kẻ thù “nguy hiểm nhiều với nguy hiểm ít là cốt lợi dụng với mâu thuẫn trong dinh lũy quân thù, tập trung hết mũi nhọn chống kẻ nguy hiểm hơn hết để dự bị lực lượng cho cách mệnh”. Do vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, “có thể đồng thời đánh đổ đảng phái phản động của những phần tử đại địa chủ tư sản và liên minh với tất cả các đảng phái cải lương; và như vậy vẫn có thể lôi kéo một bộ phận lớn của tư sản bản xứ đi về phe Mặt trận Dân chủ”10.
Để đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Mặt trận Dân tộc thống nhất là cần đấu tranh tẩy trừ những xu hướng “tả” khuynh lẫn “hữu” khuynh trong hàng ngũ, “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng, chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ”11.
Với những nội dung trên, Tự chỉ trích thực sự là một tác phẩm lý luận xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng; đồng thời là văn kiện tổng kết những kinh nghiệm và lý luận về Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng. Đánh giá về ý nghĩa của tác phẩm, Giáo sư Trần Văn Giàu, người chiến sĩ cộng sản hoạt động cùng thời với đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhận xét: “Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ là tác phẩm duy nhất về phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt của Đảng Cộng sản Đông Dương và cả Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ. Qua đó cũng chứng tỏ rằng anh Cừ là nhà lý luận số một về Mặt trận Dân tộc, Mặt trận Dân chủ của đất nước chúng ta”12.
Với 29 tuổi đời, 12 năm tham gia cách mạng, đặc biệt là 2 năm trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một chiến sỹ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người đã hy sinh trọn đời vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với cách mạng Việt Nam là rất phong phú và có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, trong đó có những vấn để về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, mà nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.288-289.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr.295-296.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 349-350.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 536.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 539-540.
6. Tự chỉ trích. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 626.
7. Tự chỉ trích. Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 627.
8. Tự chỉ trích. Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 629.
9. Tự chỉ trích. Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 642.
10. Tự chỉ trích. Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 633.
11. Tự chỉ trích. Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6. Sđd, tr. 644.
12. Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam (Hồi ký). Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 273.