Tổng Bí thư nói về quy mô của TP.HCM sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu
Sáng 21.4, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Tại đây, Tổng Bí thư dành nhiều thời gian khi nói về quy mô của TP.HCM sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết để cùng tiến bước. TP.HCM sẽ mở rộng không chỉ là TP.HCM như hiện nay mà còn Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ tỉnh, TP.Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhằm huy động tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn.

TP.HCM luôn là động lực tăng trưởng của cả nước và khu vực, là trung tâm đổi mới sáng tạo nhất của các nước.
TP.HCM mới sẽ là đầu tàu, động lực lan tỏa để phát triển mạnh mẽ của toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây cũng đồng thời là sự tham gia, bổ sung nguồn lực của các tỉnh, thành phía nam - với thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistic, du lịch, văn hóa - là nguồn lực thiết yếu để tạo nên sức bật, nâng tầm vóc TP.HCM mới.
“Sứ mệnh mới cho TP.HCM không chỉ là trở thành một siêu đô thị quốc tế, dẫn dắt khu vực mà còn là trung tâm liên kết, phát triển toàn diện giữa thành phố và cả vùng. Trong đó các tỉnh phía nam không chỉ đồng hành mà còn chủ động, đóng vai trò là đối tác chiến lược, kiến tạo không gian phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nói chung", theo Tổng Bí thư.
Ông khẳng định TP.HCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và cả vùng sẽ thăng hoa khi có TP.HCM dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ để cùng nhau tiến về phía trước.
TP.HCM mở rộng sẽ là trung tâm tài chính thương mại, logistic, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển có quy mô khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế, sáng tạo quốc gia và khu vực. Định hướng phát triển công nghệ số dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, xây dựng xã hội hài hòa, gắn kết, văn minh, tích hợp, kết tinh những giá trị tinh hoa nhất của châu Á và thế giới.
"TP.HCM mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và rộng hơn là Tây Nguyên, Nam Trung Bộ… Sự phát triển của TP.HCM tương hỗ và gắn liền với sự phát triển trong vùng, vừa dẫn dắt vừa giúp liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau tạo ra không gian kinh tế văn hóa liên vùng, tạo thành cực tăng trưởng mới mang tầm quốc tế" - Tổng Bí thư cho hay.
Ông Tô Lâm nói: “Khi tôi hỏi, AI (trí tuệ nhân tạo) trả lời nếu TPHCM mở rộng thế này thì quy mô bằng thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Chúng ta phấn đấu thế nào để có thể thành trung tâm như vậy, tạo ra sự phát triển vượt bậc. Sáp nhập tỉnh không đơn giản 2+2 bằng 4 mà phải lớn hơn 4, tạo ra động năng mới, không gian mới. TP.HCM không chỉ kết hợp với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn gắn bó sâu sắc hơn với các tỉnh trong khu vực để tái thiết, tạo tổng thể phát triển nổi trội hơn”.
“Tôi cũng từng trao đổi với lãnh đạo thành phố là cần thống nhất cao hơn nữa, quyết tâm chính trị cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định, chính trị xã hội, xây dựng phát triển TP.HCM nhanh và bền vững, chất lượng với tốc độ cao hơn so với cả nước. TP.HCM luôn là động lực tăng trưởng của cả nước và khu vực, luôn là trung tâm đổi mới sáng tạo nhất của các nước", Tổng Bí thư chia sẻ.
Nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng đều xuất phát từ TP.HCM nên cần giữ vững vai trò này, trở thành động lực phát triển chính của vùng và của cả nước, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
“Không ai có lợi thế hơn TP.HCM để làm việc này” - Tổng Bí thư khẳng định và nêu rõ thành phố cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo an ninh quốc phòng; xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn hơn cho khu vực và cả nước. Đó là yêu cầu của Đảng.