Tổng Bí thư Tô Lâm: Doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan cần xây dựng các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và thị trường toàn cầu

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định như vậy tại tọa đàm Bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan và cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Kazakhstan đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sáng ngày 6/5, tại thủ đô Astana, tiếp tục các hoạt động trong chương trình thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự và phát biểu tại tọa đàm Bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Kazakhstan.

Tọa đàm do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Kazakhstan và Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Kazakhstan trong thời gian tới.

Hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2030

Đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đây là cơ hội tốt để hai bên chia sẻ những xu hướng đầu tư mới, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, hướng đến sự thành công chung của hai nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư cho biết, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, quy mô GDP năm 2024 đạt khoảng 476,3 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD (năm 1987) lên hơn 4.700 USD (năm 2024). Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu với kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 786,3 tỷ USD, thặng dư thương mại 24,7 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, tuy chịu nhiều tác động từ khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam đã nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kinh tế tăng trưởng tích cực, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% và Quý I năm 2025 đạt 6,93%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Đến nay Việt Nam đã thu hút được đầu tư từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư trên 507 tỷ USD. Trong đó, năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38,23 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Về môi trường đầu tư, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, cấu trúc đầu tư mới của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, năng lượng sạch...

Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ nhất khu vực Châu Á và thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu theo khảo sát của Eurocham.

Các doanh nghiệp Kazakhstan tham dự tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các doanh nghiệp Kazakhstan tham dự tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về quan hệ song phương, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Namvà Kazakhstan đã không ngừng phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương, và đã đạt được nhiều thàh tựu to lớn. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn khiêm tốn và chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước.

Về thương mại, năm 2024 kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Hợp tác đầu tư giữa hai nước còn rất hạn chế với tổng giá trị đầu tư hai chiều đạt khoảng 5,5 triệu USD.

Tổng Bí thư nêu những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan như quan hệ song phương ngày càng được củng cố; hai nước đều có nền kinh tế mở, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Không chỉ vậy, cả hai nước đều là thành viên tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Việc hai nước đã ký kết Kế hoạch hành động chung nhằm tăng tốc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giai đoạn 2023-2025 cũng là một trong những điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Hiện hai nước đang xúc tiếng mở các đường bay thẳng Việt Nam-Kazakhstan.

Kazakhstan đang vận hành trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Astana rất thành công, trong khi Việt Nam cũng đang xây dựng Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Việt Nam mong muốn Kazakhstan sẽ chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Trung tâm tài chính, đồng thời, cần tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương với TTTC Astana trong lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng hợp tác như: Thị trường vốn, fintech, tài chính xanh…

Nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng vai trò quan trọng của Kazakhstan tại khu vực Trung Á, Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác để tương xứng với quan hệ Đối tác toàn diện đã được thiết lập, tăng cường quan hệ trên cả 3 kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ với Kazakhstan.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước để hướng tới mục tiêu nâng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD vào năm 2030.

Tổng Bí thư đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hai bên phát huy lợi thế để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu để tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp tham dự tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các doanh nghiệp tham dự tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham gia sự kiện lần này Việt Nam có các doanh nghiệp có uy tín, thế mạnh trong các lĩnh vực Kazakhstan có nhu cầu và tiềm năng hợp tác như: Dầu khí, năng lượng, nông nghiệp, khoáng sản, hóa chất, du lịch, dệt may…. Tổng Bí thư cho rằng, hai nước hoàn toàn có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực này kể cả về nguồn lao động.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành hai nước cùng trao đổi cởi mở về các giải pháp để thúc đầy hợp tác về đầu tư, kinh doanh giữa hai nước; nhấn mạnh Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Kazakhstan đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam coi thành công của Kazakhstan cũng là thành công, niềm tự hào của Việt Nam.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp hai bên đã tập trung vào việc đánh giá tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Kazakhstan; giới thiệu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước; bàn giải pháp và tạo động lực mới thúc đẩy, gia tăng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời, đây là dịp để kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua việc trao các thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước.

Kazakhstan mời các đối tác Việt Nam đến phát triển kinh tế

Phó Thủ tướng Kazakhstan Yermek Kosherbayev phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Thủ tướng Kazakhstan Yermek Kosherbayev phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về phần mình, Phó Thủ tướng Kazakhstan Yermek Kosherbayev nhấn mạnh, Kazakhstan nhận thấy có rất nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm đến việc việc thành lập các doanh nghiệp liên doanh trong sản xuất và chế biến nông sản, cũng như ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước và đổi mới trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Với vị thế là một trong những quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng Yermek Kosherbayev đề xuất 2 nước tăng cường hợp tác trong phát triển chính phủ điện tử, trao đổi kinh nghiệm tiên tiến, triển khai các dịch vụ số thế hệ mới và tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quy trình quản lý Nhà nước.

Phó Thủ tướng Kazakhstan Yermek Kosherbayev cam kết, sự hợp tác của hai sẽ tiếp tục phát triển mở ra những cơ hội mới để tăng cường quan hệ song phong và thúc đẩy đổi mới.

"Tôi trân trọng mời gọi các đối tác Việt Nam tận dụng tối đa những thế mạnh hiện có để phát triển kinh doanh hiệu quả ở Kazakhstan. Chính phủ Kazakhstan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở nước sở tại", ông Kazakhstan Yermek Kosherbayev nói.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Kazakhstan Yermek Kosherbayev và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác Việt Nam-Kazakhstan gồm: Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do Bộ Tài chính Việt Nam trao cho Công ty Aviation Holdings, thành viên của Vietjet, nhằm thực hiện giao dịch mua cổ phần chiến lược tại hãng hàng không Qazaq Air. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng quốc tế của Vietjet, góp phần củng cố quan hệ song phương Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác hàng không, kinh tế, văn hóa nói chung, đồng thời mở ra chương mới cho ngành hàng không Trung Á.

Thỏa thuận nhượng quyền kinh doanh giữa Vietjet và Qazaq Air. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng phát triển và vận hành hãng hàng không Vietjet Qazaqstan, tiền thân là Qazaq Air. Vietjet Qazaqstan là hãng hàng không thế hệ mới chi phí thấp, được kỳ vọng trở thành cầu nối hàng không chiến lược giữa Kazakhstan với Việt Nam, Đông Nam Á và các trung tâm hàng không quốc tế.

Hợp đồng dịch vụ giữa Vietjet Qazaqstan và Boeing. Theo đó Vietjet Qazaqstan và Tập đoàn Boeing ký kết Thỏa thuận khung về hỗ trợ kỹ thuật cho đội tàu bay Boeing 737 của Vietjet Qazaqstan. Cụ thể, Boeing sẽ hỗ trợ toàn diện từ cung cấp phần mềm kỹ thuật, phụ tùng, huấn luyện phi công và kỹ sư, đến bảo dưỡng và nâng cấp tàu bay nhằm đảm bảo cho đội bay vận hành hiệu quả và an toàn. Vietjet Qazaqstan dự kiến sẽ khai thác ít nhất 20 tàu bay Boeing 737, mở rộng mạnh mẽ mạng bay nội địa và quốc tế. Hãng sẽ áp dụng mô hình vận hành hiện đại, quản trị số hóa và hệ thống đào tạo nhân sự tiên tiến với sự hỗ trợ kỹ thuật và vận hành từ Vietjet.

Tại đây, Công ty Mareven Food (Doanh nghiệp của người Việt Nam tại Kazakhstan) trao tặng 10 xe cứu thương cho chính quyền Kazakhstan.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-bi-thu-to-lam-doanh-nghiep-viet-nam-kazakhstan-can-xay-dung-cac-chuoi-gia-tri-ket-noi-giua-hai-nuoc-va-thi-truong-toan-cau-313377.html