Tổng bí thư Tô Lâm: Không có chỗ cho cán bộ trung bình chủ nghĩa
Trong tình hình hiện nay, Tổng bí thư nhấn mạnh không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân.

Tổng Bbí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 được tổ chức mới đây, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính là một “cuộc cách mạng”, tạo đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Trước yêu cầu cùng lúc triển khai khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ, Tổng bí thư nhấn mạnh ba yêu cầu chung để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện:
Một là, phải xác định quyết tâm chính trị ở mức cao nhất. Từ Trung ương đến địa phương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu phải thực sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, trên tinh thần ‘đúng vai, thuộc bài’, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, không để tư tưởng “địa phương tôi, quyền anh quyền tôi”, tất cả vì lợi ích chung, từ đó tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị và lan tỏa ra toàn xã hội.
Hai là, triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Việc tổ chức phải theo đúng quy trình, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan.
Các mốc thời gian then chốt được Tổng bí thư nhấn mạnh, trong đó có: hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và luật liên quan trước 30/6/2025; hoàn tất bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã trước 15/8/2025; sáp nhập các tỉnh trước 1/9/2025; hoàn thành đại hội Đảng cấp xã trước 31/8/2025 và đại hội cấp tỉnh trước 31/10/2025; tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV đầu quý I/2026 và bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3/2026.
Đồng thời, ông khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoành thành sớm công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần "ổn định sớm để phát triển".
Ba là, tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến người dân phải thực hiện theo quy định, nhất là các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư lưu ý việc tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tổ chức bộ máy và địa giới hành chính mà còn là bước điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Đó là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ông khẳng định, dù việc sáp nhập này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của người dân – nơi “chôn nhau cắt rốn” của mỗi người – tuy nhiên trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, cần thay đổi tư duy và tầm nhìn, vượt lên chính mình, vượt qua những băn khoăn, lo lắng, để hướng tới tầm nhìn rộng lớn hơn: “Đất nước là quê hương.”
Tổng bí thư lưu ý khắc phục hai khuynh hướng gồm sáp nhập các xã, phường quá rộng, dẫn đến không quán xuyến được địa bàn biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã; hay sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Trên cơ sở mô hình chính quyền hai cấp, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên vùng, liên cơ sở, bảo đảm thống nhất toàn quốc. Nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đẩy mạnh phân quyền cho cấp tỉnh, nhất là về quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư.
Cấp cơ sở tập trung phục vụ người dân, cung cấp dịch vụ công thiết yếu. Chính quyền đặc khu được trao quyền tự chủ cao để ứng phó linh hoạt với tình huống bất ngờ, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Về công tác cán bộ – vấn đề mấu chốt của cải cách, Tổng bí thư cho biết công tác cán bộ trong đợt sắp xếp lần này ảnh hưởng rất lớn. Trước mắt, giữ nguyên biên chế các cấp để ổn định, sau đó rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm theo tổng thể chung.
Các cấp ủy phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, gắn quyền lợi với trách nhiệm cá nhân. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng chạy chức, lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng.
Ông đặc biệt lưu ý việc lựa chọn, bố trí lãnh đạo sau sáp nhập, nhất là người đứng đầu cấp tỉnh, cấp xã. Cần tính toán đồng bộ liên thông giữa cả 4 giai đoạn gồm bố trí cán bộ sau sát nhập, nhân sự đại hội đảng các cấp, Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội.
Tiêu chí hàng đầu là năng lực đáp ứng yêu cầu công việc. Những ai không đủ phẩm chất, năng lực thì nên chủ động rút lui.
Việc lựa chọn lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập là trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy, phải thực hiện đúng theo tinh thần Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị.