Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Luật Đấu thầu có bốn tội rất nặng'
'Mất thời gian lãng phí, chậm tiến độ phát triển, sản phẩm kém chất lượng và làm hư hỏng cán bộ' – là bốn 'tội' được Tổng Bí thư nêu ra khi nói về những bất cập của Luật Đấu thầu hiện tại.
Tại tổ thảo luận Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chiều 17/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu mạnh mẽ và đầy tâm huyết. Nhìn thẳng vào thực tiễn, Tổng Bí thư chỉ rõ những "căn bệnh trầm kha" của Luật Đấu thầu hiện hành – thứ Luật đang khiến cả hệ thống vận hành trì trệ, lãng phí và làm mai một nguồn lực quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: "Luật Đấu thầu hiện tại đang mang trong mình “bốn tội rất nặng” – những “tội” không chỉ là lỗi kỹ thuật lập pháp mà là những hệ lụy thực tiễn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của đất nước. Đó là: làm chậm tiến độ phát triển nội lực; kéo theo sản phẩm, công trình kém chất lượng; lãng phí nguồn lực và làm hỏng, làm mất cán bộ".
Tổng Bí thư khẳng định, việc sửa đổi luật không phải làm theo phong trào hay lý thuyết, mà xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Làm luật là để phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, không phục vụ lợi ích nhóm hay cục bộ. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và phát triển kinh tế bền vững, cần phải xem xét lại toàn diện hệ thống luật pháp mà trong đó Luật Đấu thầu là một trong những điểm nghẽn lớn.
“Đấu thầu thuốc như đấu giá” – hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe nhân dân
Một ví dụ điển hình được Tổng Bí thư nhấn mạnh là lĩnh vực y tế. Cách đấu thầu thuốc hiện nay bị ông ví như “đấu giá”, chỉ chăm chăm chọn giá rẻ mà bỏ quên chất lượng, kỹ thuật, xuất xứ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bộ Y tế tổ chức đấu thầu thuốc nhưng làm như đấu giá, dẫn đến việc Việt Nam không tiếp cận được thuốc tốt, thuốc tiên tiến của thế giới. Bác sĩ phải kê đơn thuốc xách tay, tạo cơ hội cho buôn lậu, thậm chí là hàng giả. Bệnh viện cấp thuốc nhưng bệnh nhân không dám uống, gây lãng phí. Những máy móc, công nghệ tiên tiến nhất liệu người bệnh Việt Nam có được tiếp cận không? Với cơ chế như hiện nay, là rất khó. Đây là 'tội' của các quy định, của việc thực thi yếu kém. Không chữa được thì không phát triển được.”
Tổng Bí thư nhìn nhận, mô hình hợp tác công – tư (PPP) vốn là xu thế toàn cầu và rất cần thiết với Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế hiện hành lại làm cho nó "thành hình thức". Tổng Bí thư nêu thực trạng: Nhà nước có tiền, địa phương có nhu cầu, nhưng lại không thể phối hợp làm chung một dự án. Thậm chí, có những mô hình hợp tác tốt thì bị cấm, khi thấy hiệu quả lại khôi phục.
Một nghịch lý được Tổng Bí thư chỉ rõ: “Công ty xây dựng giỏi thì không được mời thầu, bị gạt ra ngoài. Còn người không có năng lực, không có công nghệ thì lại trúng thầu vì chào giá thấp. Sau đó lại bán thầu lòng vòng. Công trình xuống cấp, chất lượng thấp”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Việt nỗ lực học hỏi công nghệ, tổ chức sản xuất hiện đại ở nước ngoài rồi quay về phát triển trong nước vẫn không được hỗ trợ, không có cơ hội. Trong khi làm ăn ở nước ngoài lại thuận lợi hơn.
Tổng Bí thư chất vấn: “Mục tiêu của đấu thầu là ngăn tiêu cực. Nhưng giờ thông thầu, bán thầu, ép giá, dựng thầu tràn lan. Không ai chịu trách nhiệm. Hội đồng chấm thầu giải tán là xong, cơ quan chủ quản thì nói không được giao. Thế thì trách nhiệm nằm ở đâu?”.
"Nếu tôi làm nhà cho tôi, tôi sẽ tự chọn người giỏi nhất, chịu trách nhiệm đến cùng. Nhưng làm cho Nhà nước thì không ai chịu trách nhiệm, ông nào cũng muốn phủi tay”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Tôi đặt vấn đề là phải sửa ngay. Sửa một số điều để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn. Phải giải ngân đầu tư công nhanh, hợp tác công tư minh bạch, và đặc biệt là đấu thầu phải làm sao để ngăn chặn tiêu cực”.