Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn mỗi người dân Việt Nam phải được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm

'Chúng ta mừng về thành tựu trong lĩnh vực y tế, hoàn thành chỉ tiêu bác sĩ trên 1 vạn dân, nhưng con số đó chưa đi vào thực chất. Tôi nói là bây giờ mỗi người dân Việt Nam phải được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm...' Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều ngày 26-10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tóm lược lại thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn vừa qua của đất nước, đồng thời chỉ rõ đường hướng của đất nước trong giai đoạn mới.

Chúng ta có quyền tự hào về vị thế của đất nước

Tóm lược về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Về kinh tế xã hội trong báo cáo của Chính phủ, chúng ta thấy nhìn lại năm 2024 này đúng là chúng ta nỗ lực rất lớn, đứng nhìn cả nhiệm kỳ thì đây là năm phát triển nhất, thành tựu cao nhất, năm nước rút của nhiệm kỳ 13”.

Nhìn lại cả chặng đường 40 năm đổi mới, để đất nước đạt được vị thế như hiện có thể nói là “kỳ tích”, “thắng lợi vĩ đại”. Đất nước vẫn tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân đảm bảo, kinh tế - xã hội phát triển nhiều mặt, an ninh quốc phòng, chủ quyền đất nước được giữ vững.

“40 năm trước đất nước ta vô cùng khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, qua chiến tranh, bị bao vây cấm vận. Sau 40 năm, chưa bao giờ vị thế của đất nước chúng ta đạt được như hiện nay như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đánh giá, chúng ta có quyền tự hào về điều đó” – Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nhấn mạnh “điều Bác Hồ mong muốn trong di chúc đến nay chúng ta đã thực hiện được”.

 Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn mỗi người dân Việt Nam phải được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm.

Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn mỗi người dân Việt Nam phải được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm.

Tổng Bí thư Tô Lâm tóm lược đến nay, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt gần 450 tỉ USD, xếp hạng 34 của thế giới. Cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc. Chỉ tính riêng về sản xuất gạo, đã đảm bảo lương thực đủ cho 105 triệu dân, còn có dự trữ một mùa và xuất khẩu.

“Riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, đứng top đầu thế giới, khiến nhiều nước ngạc nhiên và muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam” – Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ.

Thành quả phát triển phải đến với người dân

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, nhìn vào thực chất của tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, vẫn còn rất nhiều lo lắng, trăn trở phải giải quyết.

“Chúng ta cần làm sao để phát triển kinh tế xã hội phải đi vào bền vững, được đến tận tay người dân, nhìn thấy nâng cao mức sống của người dân. Đó mới là mục tiêu cao của chúng ta, bộ mặt xã hội thay đổi” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, còn nhiều vấn đề phải giải quyết như: Chưa huy động được nguồn lực trong xã hội, trong dân vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; năng suất lao động vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới; nền sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu…

“Những ngành cơ bản, cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển, chứ ở đâu đó con số phát triển lên mới là từ đất, FDI. Những cái này chỉ trong một giai đoạn thôi. Bây giờ yêu cầu là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường” – Tổng Bí thư nói.

Ông lấy ví dụ có những địa phương phát triển rất tốt, nhưng phụ thuộc đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ cần họ rút đi cái là chới với, tăng trưởng âm. “Sự phát triển bền vững như vậy là chưa có” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư, phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải giữ được môi trường, cuộc sống người dân phải hạnh phúc, người dân phải thực sự được thụ hưởng các thành quả của phát triển…

“Chúng ta mừng về thành tựu trong lĩnh vực y tế, hoàn thành chỉ tiêu bác sĩ trên 1 vạn dân, nhưng con số đó chưa đi vào thực chất. Tôi nói là bây giờ mỗi người dân Việt Nam phải được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm. Mình có làm được việc đó hay không, đi đến thực chất với người dân là rất quan trọng” – Tổng Bí thư nói.

Hay như trong giáo dục, phải phổ cập được giáo dục cấp 2, cấp 3 để mọi trẻ em được đến lớp. Phải lo đủ trường lớp, thầy giáo, điều kiện dạy và học… “Nhiệm vụ đó là của chúng ta, của cấp ủy, của chính quyền địa phương, chứ không chỉ riêng ngành giáo dục” – Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh đây là những vấn đề cấp bách cần phải làm, những việc rất sốt ruột.

Chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm để chữa bệnh lãng phí

Đề cập vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay đây là vấn đề ông rất quan tâm, cũng là nội dung khiến người dân rất bức xúc.

“Dân hỏi mình không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng sao đứng im, chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chịu trách nhiệm? Nhà nước cấp thế nào mà để lãng phí, nếu doanh nghiệp không làm thì phải thu theo quy định chứ! Vướng chỗ nào thì tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm. Đây là tài sản của nhà nước, tiền của của Nhân dân” - ông Tô Lâm nói.

 Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Trọng Phú

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Trọng Phú

Tổng Bí thư cũng dẫn dự án chống ngập ở TP.HCM qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước bỏ ra rồi. Nếu để thế thì vẫn vi phạm, không tham ô tham nhũng thì cũng lãng phí.

Hay trường hợp 2 bệnh viện được Nhà nước đầu tư chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi nếu của tư nhân thì họ thu hồi vốn xong rồi.

Câu chuyện có tiền mà không tiêu được cũng được Tổng Bí thư nêu ra. Giải ngân vốn 9 tháng chưa được 50%, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm thì có tiêu được hết không? Chương trình mục tiêu quốc gia quyết rồi, giờ lại nói vướng cái nọ, cái kia.

“Đó là do ai? Là do mình thôi, sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế. Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được.

Hằng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Tất cả do mình cả. Vậy ai làm được? Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được” - Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh “phải tìm cách trả lời cho dân”.

Ngoài ra, theo ông nguồn lực đất nước là không nhỏ nhưng sản xuất trong nước chưa tương xứng, chưa được phát huy cũng là điều cần suy nghĩ tìm đến tận gốc.

“Tiềm năng phải tạo ra được của cải vật chất. Tôi rất sốt ruột, không thể chờ đợi, lỡ mất cơ hội. Ai cũng nhìn thấy, mục tiêu đã rõ, chỉ tiêu thống nhất, bàn nhau đồng thuận rồi thì phải cụ thể mỗi mốc đạt được cái gì, tạo tiền đề, nền tảng phát triển tốt hơn" - ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng phân tích, nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh. Chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu, mà “vươn mình lên, còn cứ lò dò thì còn khó khăn”.

Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư lưu ý hạ tầng năng lượng là một trong những dẫn dắt, trụ cột, điểm đột phá. Vì các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu đều tính toán có đảm bảo năng lượng hay không. Do đó, luật phải tính toán, tạo pháp lý để đáp ứng yêu cầu.

Tính đủ điện là yêu cầu rất quan trọng, song cũng phải tính điện sạch vì Việt Nam đã cam kết quốc tế. Chính vì vậy, phải tính toán từ quy hoạch, phát triển cho đến điều hòa, cân đối các nguồn năng lượng và đảm bảo năng lượng sạch để công bố với thế giới cho nhà đầu tư yên tâm vào Việt Nam.

“Phải rất chủ động. Không phải cứ chờ mấy năm định hướng, mấy năm khảo sát, mấy năm mặt bằng, mấy năm tìm công nghệ… thì thời gian không cho phép. Đòi hỏi rất nhanh, đồng bộ các khâu” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-bi-thu-to-lam-mong-muon-moi-nguoi-dan-viet-nam-phai-duoc-kham-suc-khoe-it-nhat-mot-lannam-post816864.html