Tổng Bí thư Tô Lâm: Nhanh chóng thể chế hóa, ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển KHCN

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải nhanh chóng thể chế hóa, ưu tiên bố trí nguồn lực để đưa Nghị quyết 57 đi vào đời sống kịp thời, hiệu quả.

 Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương (ảnh: https://quochoi.vn)

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương (ảnh: https://quochoi.vn)

Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ...

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng và trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với hơn 978.500 đại biểu tham dự.

Dự điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

 Đại biểu dự điểm cầu cấp tỉnh Hà Tĩnh.

Đại biểu dự điểm cầu cấp tỉnh Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban chỉ đạo. Tiếp đó, Ban Kinh tế Trung ương báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).

Nghị quyết 57 xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Mục tiêu chính của nghị quyết tập trung vào việc giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng các nguồn lực khác nhau của xã hội để tập trung cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới phương thức làm việc, tích lũy tư liệu sản xuất mới dựa trên dữ liệu, từ đó đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập cao, phát triển bền vững.

Nghị quyết 57 là một chiến lược mang tính đột phá, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 với 7 nhiệm vụ cụ thể, gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt một số nội dung chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

 Điểm cầu Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.

Điểm cầu Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần tăng số lượng doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 95/2022 ngày 16/12/2022 về một số chính sách phát triển KH&CN đến năm 2025.

Hà Tĩnh cũng xây dựng, kết nối hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh góp phần ươm tạo, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp trong Nhân dân; khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để khởi nghiệp sáng tạo.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước hình thành, phát triển và đi vào hoạt động có hiệu quả, nhận được sự quan tâm, tham gia đông đảo tầng lớp trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc tạo hành lang pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 Đại biểu Hà Tĩnh tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đại biểu Hà Tĩnh tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi KH&CN là yếu tố quyết định, nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội lần thứ IV của Đảng, KH&CN đã được xác định là cuộc cách mạng và đến nay là quốc sách hàng đầu. Nhiều nghị quyết quan trọng đã được ban hành mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển của KHCN; nguồn lực dành cho KHCN vẫn còn hạn chế…

“Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, nghị quyết của hành động với những mục tiêu cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ các rào cản, thúc đẩy đột phá trong trong phát triển KHCN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong thời kỳ mới” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị, để đưa Nghị quyết 57 đi vào đời sống kịp thời, hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ; nhanh chóng thể chế hóa, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Trong đó, cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp đột phá: Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, trong năm 2025 phải hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới trong việc sửa đổi luật và đồng bộ hóa các quy định có liên quan; hoàn thiện thể chế phải đi đôi với việc tổ chức thực hiện hiệu quả, cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ.

Khẩn trương sắp xếp lại bộ máy KHCN, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các tổ chức nghiên cứu; có kế hoạch xây dựng nguồn lực chất lượng cao; triển khai các giải pháp đột phá thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài KHCN; các thủ tục liên quan phải thực sự thông thoáng; Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, trường để mời các chuyên gia làm lãnh đạo; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ thành lập các viện nghiên cứu tư nhân...

Phải ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm với quốc sách đột phá; bố trí ngân sách cho KHCN nghiên cứu, phát triển; lập các quỹ KHCN, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đảm bảo các nhà khoa học có quyền chủ động trong ứng dụng và nghiên cứu công nghệ. Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đề nghị bố trí ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ bố trí ngân sách cho KHCN những năm tiếp theo.

Nhanh chóng triển khai nguồn nhân lực chất lượng cao; ban hành cơ chế thu hút nhân tài, chuyên gia quốc tế, khơi dậy tinh thần yêu nước của các nhà khoa học. Tăng cường đầu cơ sở hạ tầng công nghệ, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết 57, tối ưu hóa, nâng cấp hạ tầng số, xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia.

Tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế, tiềm năng; ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế, tiềm năng phát triển; xây dựng các giải pháp công nghệ cho những vấn đề thực tiễn đất nước như sử dụng tài nguyên tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học vì sức khỏe con người…; thúc đẩy các mũi nhọn chuyển đổi số; đẩy nhanh kết nối và chia sẻ dữ liệu quan trọng trong các lĩnh vực.

Đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, sinh học, năng lượng tái tạo…

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tong-bi-thu-to-lam-nhanh-chong-the-che-hoa-uu-tien-bo-tri-nguon-luc-phat-trien-khcn-post280944.html