Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiến tới miễn viện phí toàn dân từ 2030-2035

Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035.

Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới.

Về những định hướng thời gian tới, Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Giao Đảng ủy Bộ Y tế xây dựng đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo.

Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035; rà soát lại các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Đảng ủy Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 10.

 Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035. Ảnh minh họa: TT

Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035. Ảnh minh họa: TT

Cùng với đó, thông báo nêu rõ, Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương khẩn trương nghiên cứu, triển khai kiện toàn hệ thống tổ chức ngành y tế từ Trung ương tới cơ sở phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với mô hình phân tầng kỹ thuật y tế rõ ràng, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cấp chuyên môn.

Đặc biệt, quan tâm củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở, đây là tuyến y tế gần dân nhất, đóng vai trò "gác cửa" của hệ thống y tế, cần được củng cố toàn diện, bảo đảm chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, quản lý bệnh mãn tính, phát hiện sớm và điều trị ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, cập nhật sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử...

"Hệ thống y tế cơ sở phải mạnh lên, đủ năng lực, đủ con người, đủ công nghệ, phải là nơi người dân đặt niềm tin. Chỉ như vậy mới có thể thực hiện được việc chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững, công bằng và hiệu quả", thông báo kết luận nêu.

Tổng Bí thư cũng giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng nghị quyết của Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo để tạo đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết này tương tự như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Nghị quyết mới không thay thế các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã có, mà tập trung giải quyết những vấn đề mới, vấn đề lớn, những điểm nghẽn, nút thắt, xác định rõ mục tiêu, lộ trình và trách nhiệm cụ thể trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 5-2025, đồng thời Đảng ủy Chính phủ phối hợp Đảng ủy Quốc hội để chuẩn bị thể chế hóa ngay trong kỳ họp Quốc hội sắp tới cũng như chuẩn bị về tài chính, ngân sách.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là nền tảng quan trọng nhất cho hạnh phúc của mọi người và sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, dành sự ưu tiên đặc biệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Mỗi nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở từng thời kỳ có những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu cao cả: Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của Nhân dân; xây dựng một hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế; hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi người dân.

Các cấp, các ngành, trong đó ngành y tế với vai trò nòng cốt đã có nhiều nỗ lực cố gắng, quán triệt triển khai thực hiện mục tiêu này, đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế, với nhiều chỉ số về hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng vượt trội so với nhiều quốc gia có cùng mức phát triển (tuổi thọ trung bình; giảm tử vong, suy dinh dưỡng của trẻ em; chiều cao trung bình của thanh niên; số giường bệnh; số bác sĩ, dược sĩ trên 10.000 dân, tỉ lệ người dân tham gia BHYT...)

Trích "Thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm"

Chiều 6-5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh chủ trương "tiến tới miễn viện phí cho toàn dân" là chủ trương lớn, nhân văn và có tác động tích cực.

Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trọn đời...

Từ năm 2030-2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế, từng bước hoàn thiện chính sách để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-bi-thu-to-lam-tien-toi-mien-vien-phi-toan-dan-tu-2030-2035-post848356.html