Tổng Bí thư: Việt Nam và Thái Lan nâng cấp quan hệ là sự kiện lịch sử
Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường chiều nay (16/5) tiếp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.
Các lãnh đạo Việt Nam tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước, ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Thái Lan
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra thông báo với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường về kết quả cuộc họp Nội các chung lần thứ 4 giữa hai nước, các cuộc hội đàm, hội kiến, đặc biệt là việc hai bên ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thái Lan - nước láng giềng gần gũi. Việc hai nước nâng cấp quan hệ là sự kiện lịch sử, mở ra chương mới.
Tổng Bí thư đề nghị hai bên duy trì hiệu quả cơ chế họp Nội các chung và các cơ chế hợp tác song phương, nghiên cứu nâng cấp và thiết lập các cơ chế hợp tác mới.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trân trọng mời Tổng Bí thư Tô Lâm sang thăm Thái Lan. Tổng Bí thư cảm ơn và sẽ thu xếp vào thời gian phù hợp
Tổng Bí thư cũng đề nghị tăng cường kết nối hai nền kinh tế, coi đây là trụ cột quan trọng hợp tác song phương; đẩy mạnh triển khai Chiến lược “Ba kết nối”, mở rộng hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số và đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các nhà đầu tư làm ăn kinh doanh tại mỗi nước.
Hai bên củng cố hợp tác quốc phòng - an ninh, phòng chống tội phạm, thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác, cam kết không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nhau để chống lại nước khác...
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhất trí cao với các đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm. Thái Lan tích cực phối hợp với Việt Nam cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện, nhất là trong kinh tế, phòng chống tội phạm, phối hợp lập trường trong các vấn đề khu vực, quốc tế...
Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao việc hai nước nối lại cơ chế họp Nội các chung, thể hiện quyết tâm thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Thái Lan
Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Thái Lan.
Chủ tịch nước đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC…

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Thái Lan quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Thái Lan; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam tại Thái Lan
Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Thái Lan nhất trí cho rằng hai bên cần phát huy hiệu quả các tiềm năng hợp tác, trong đó có quốc phòng - an ninh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, lừa đảo qua mạng.
Việt Nam và Thái Lan cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, mở thêm nhiều đường bay kết nối các địa phương hai nước...
Mục tiêu thương mại song phương 25 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra với doanh nghiệp hai nước
Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2023.
Các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư 767 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, đứng thứ 9/150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngược lại, Việt Nam cũng đầu tư 22 dự án tại Thái Lan với tổng vốn gần 35 triệu USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện: ổn định bền vững, phát triển bền vững, tương lai bền vững; hợp tác không có giới hạn vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển, vì độc lập, tự do của hai nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "hai nước đã hợp tác tốt rồi, phải hợp tác tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn".
Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Thái Lan đối với sự phát triển của Việt Nam và quan hệ hai nước. Việt Nam đang tiếp tục tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Thái Lan liên quan đến thuế, điện, thanh toán số, thủ tục hành chính, nguồn vốn.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển.
Còn Thủ tướng Thái Lan cho rằng hai bên cần hợp tác hơn nữa để ứng phó với tình hình bất ổn của kinh tế và chính trị toàn cầu.

Thủ tướng Thái Lan: Việc thiết lập Đối tác Chiến lược toàn diện đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước
Thái Lan và Việt Nam là những nền kinh tế lớn nhất trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và cũng là động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ASEAN. Năm qua, kim ngạch thương mại hai nước đạt 21 tỷ USD.
"Chúng tôi muốn đạt được mục tiêu thương mại song phương 25 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất" - Thủ tướng Thái Lan chia sẻ.
Bà Paetongtarn Shinawatra đánh giá nền kinh tế Thái Lan và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và nhiều doanh nghiệp tham gia vào cùng một chuỗi giá trị. Hơn 50% thương mại Thái Lan - Việt Nam là nhập khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô và linh kiện hỗ trợ các ngành sản xuất phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng kinh tế của nước này là cơ hội của nước kia.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh yêu cầu kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp cùng có lợi như hóa dầu, thực phẩm và linh kiện điện tử và hậu cần...
Bà vui mừng khi các đường bay giữa Việt Nam và những tỉnh Đông Bắc Thái Lan sẽ được mở. Đây sẽ là chuyến bay quốc tế đầu tiên từ một sân bay ở phía Đông Bắc Thái Lan, và việc này sẽ đẩy mạnh giao lưu cấp nhân dân và du lịch giữa hai nước.